Trong nhiều năm qua, Ferrari, hãng con của tập đoàn Fiat luôn có bảng danh sách mà khách hàng thứ nhất và người cuối cùng nhận xe cách nhau đến 12 tháng. Quãng thời gian đó đủ để những ông chủ giàu có thèm "nhỏ dãi" nhưng không phải là quá dài nếu họ muốn lái chiếc xe nổi bật hơn cả Porsche hay Lamborghini.
Thời gian nhận xe lâu cho phép Ferrari sở hữu một bí quyết mà không ai có được trong ngành công nghiệp ôtô. Đó là giá trị còn lại. Với sản phẩm của nhà sản xuất này, hiếm khi có khái niệm giá giảm mà chỉ có tăng do các tay sưu tập và đại lý luôn sẵn sàng bỏ tiền ra mua lại.
Người mẫu bên chiếc FXX giá 1,8 triệu USD của Ferrari tại Thượng Hải. Ảnh: GCF. |
Người đưa ra kế hoạch biến Ferrari thành "chảo lửa" thiêu đốt những con "thiêu thân" là vị Chủ tịch Luca Cordero di Montezemolo. Năm 1999, ông quyết định Ferrari không bao giờ sản xuất quá 5.000 xe mỗi năm. Vào thời điểm đó, Ferrari có doanh số 4.000 và khách hàng chủ yếu đến từ Bắc Mỹ, Italy và Đức.
*Sinh nhật tuổi 60 hoành tráng của Ferrari |
*'Chiêu' chiều khách của Ferrari và Audi |
*Những chiếc xe có tiền cũng không mua nổi |
*Logo Ferrari - tuấn mã vô địch trên đường đua F1 |
Kể từ khi có lệnh của Luca Cordero di Montezemolo, thị trường bỗng dưng vận hành theo một quy luật mà Ferrari là "kể bề trên". Khách hàng ở những nước xa lắc xa lơ như châu Á, Trung Đông và Nga cũng đổ dồn về thành phố Manarello vùng Modena, Italy để đặt hàng.
Nhu cầu tăng lên chóng mặt khiến Ferrari phải phá lệ và năm ngoái, hãng này bán tổng cộng 5.700 chiếc. Con số đó có thể tăng lên trên 6.000 vào 2007. Dù vậy, khách hàng ở Hong Kong, Mỹ, Australia hay Anh phải chờ ít nhất 24 tháng để có thể sờ vào chiếc xe của mình. Ở Đức và Mỹ thời gian có ngắn hơn, khoảng 18 tháng.
"Một vài năm trước chúng tôi nhận ra rằng phải có thay đổi nào đó. Ban đầu, Ferrari đưa ra quãng thời gian chờ là 18 tháng nhưng không thể giữ được mức đó do nhu cầu quá cao", Andrea Bozzoli, Giám đốc marketing Ferrari cho biết. Mỗi năm, Ferrari đưa 100 chiếc sang Các tiểu vương quốc A rập thống nhất và 150 xe sang Trung Quốc, hai thị trường lớn nhưng gần như không tồn tại ở 10 năm trước. Ngoài ra, 60 chiếc sẽ được Ferrari chuyển sang Nga, nơi mà hãng này vừa mở đại lý đầu tiên.
Michael Mastrangelo, đại lý phân phối của Ferrari tại Spring Valley, New York từ 1970, cho biết trong vài năm gần đây, thời gian trung bình mà một khách hàng nhận xe là 3 năm. Nếu đặt một mẫu nào đó, họ phải chờ đến khi nó đi được hơn một nửa chu trình sống (khoảng 5 năm) mới được cầm lái. Năm ngoái, khi các ngân hàng tại Wall Street thưởng lớn cho nhân viên, đại lý này đã không tận dụng cơ hội đó do số lượng xe được nhận luôn ở mức cố định.
"Thật khó cho những người đến đại lý đặt xe mà không sẵn sàng chờ đợi. Khi gặp khách hàng trẻ vốn không có khả năng chờ lâu, tôi khuyên họ hãy bắt đầu bằng một chiếc Ferrari cũ", Mastrangelo nói.
Ferrari không thiếu khả năng sản xuất hàng loạt. Các quan chức hãng này lo ngại sản lượng quá lớn sẽ khiến hình ảnh Ferrari và sự đam mê của khách giảm đi. Dù doanh số tăng lên đến 6.000 chiếc thì tất cả chúng đều thuộc loại đặt hàng, tức sản xuất theo ý thích riêng của khách. Trong khi đó, các kỹ thuật viên ở đây phải được đào tạo nhiều năm trước khi chính thức có chân ở dây chuyền lắp ráp.
Trái ngược với Ferrari, Porsche sản xuất 100.000 xe mỗi năm và với những chiếc được đặt hàng riêng, thời gian chỉ là 3 đến 6 tháng. Theo Ferrari, mỗi hãng có một phong cách riêng và tự hào về điều mình làm.
Chẳng hạn như tại triển lãm ôtô Thượng Hải 2007, diễn ra 20-27/4, một khách hàng 35 tuổi lên Liu đã đặt cọc 612 Scaglietti với giá 520.000 USD và ra điều kiện lấy xe ngay. Khi nhân viên bán hàng thuyết phục anh ta mua chiếc nào đó rẻ hơn để rút ngắn thời gian chờ, Liu khăng khăng chỉ mua đúng 612 Scaglietti. Cuối cùng, anh ta chấp nhận đưa tên vào danh sách với câu nói mà khách hàng nào của Ferrari cũng thốt lên: "Tôi muốn càng sớm càng tốt".
Trọng Nghiệp (theo Wall Street Journal)