Các kỹ sư NHTSA mô phỏng lại tình huống tài xế James Sikes gặp phải trên đường cao tốc. Tuy nhiên, lỗi dính chân ga không hề lặp lại. Hiện nguyên nhân thực sự vẫn chưa được tìm thấy và cơ quan này không thể lý giải được hiện tượng trên.
Chiếc Prius của James Sikes trang bị hệ thống phát hiện chân ga và chân phanh cùng đồng thời được đạp. Khi đó, xe sẽ tự động đóng bướm ga, ngắt động cơ, cho phép giảm tốc độ rồi dừng hẳn.
Toyota Prius đỗ phía sau chiếc xe cảnh sát. Trước đó, James Sikes báo rằng xe của ông tăng tốc và không thể phanh lại. Ảnh: AFP/NBC News. |
Hệ thống này vẫn làm việc trong thời gian 2 ngày mà các chuyên gia của NHTSA thử nghiệm. “Phía trong chân phanh hoạt động tốt, bên ngoài bị mòn khoảng 2-2,5 mm. Trục quay bị hư hỏng”, tài liệu của NHTSA viết. Cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục điều tra. Nhưng có thể không bao giờ biết nguyên nhân chính xác.
Theo CNN, sau khi cùng NHTSA nghiên cứu chiếc xe gặp sự cố, Toyota đã thể hiện sự hoài nghi về những gì xảy ra với James Sikes. Hãng xe lớn nhất thế giới cho rằng sự thật không như những gì người đàn ông 61 tuổi này đã thể hiện trong đoạn trao đổi với 911.
Còn USA Today thì tiết lộ James Sikes đã nộp đơn xin phá sản từ tháng 8 và hiện nợ tổng cộng 700.000 USD.
Sau khi vụ việc xảy ra, James Sikes trả lời báo chí rằng chân ga bị dính khiến chiếc Prius của ông tăng tốc ngoài ý muốn. Nhưng giờ đây, theo các chuyên gia, sự thật có thể không phải như thế. Ảnh: AP. |
Theo ghi âm của 911, chiều 8/3, Sikes hoảng hốt gọi cho 911 đề nghị giúp đỡ vì chân ga bị kẹt. Người hướng dẫn Leighann Parks liên tục nhắc ông chuyển số về mo (N) và tắt động cơ. Sikes không có phản ứng gì.
"Xe không chậm lại", ông nói vào bộ đàm với cô. Trong những lần Parks nói nếu có thể hãy chuyển số về mo, Sikes trả lời "Tôi đang cố gắng kiểm soát nó".
Sau đó cảnh sát tuần tra giao thông California xuất hiện, hướng dẫn Sikes kéo phanh tay (phanh khẩn cấp) để giảm tốc. Khi xuống còn 80 km/h, xe tuần tra đi lên trước, tì đuôi vào mũi chiếc Prius để hãm nó cho tới khi dừng hẳn.
Trọng Nghiệp