Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, tháng 11/2015, doanh số toàn thị trường đạt 29.706 xe, tăng 33% so với tháng trước, cả 3 danh mục xe con, xe thương mại và xe chuyên dụng đều tăng mạnh.
Đặc biệt, có chiều hướng trái ngược khi doanh số bán hàng của xe sản xuất trong nước chỉ đạt 17.129 xe, tức giảm 7,6% so với tháng trước, trong khi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 12.577 xe, tăng 95% so với tháng trước. Nếu tính doanh số cộng dồn năm 2015 đến hết tháng 11/2015, xe lắp ráp trong nước tăng 50% trong khi xe nhập khẩu tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hyundai Grand i10. |
Một số liệu khác từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 11 có khoảng 14.000 xe về nước, kim ngạch đạt 240 triệu USD, gần như tương đương tháng trước. Tính chung 11 tháng năm 2015, ước tính có khoảng 120.000 xe ôtô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam, tổng kim ngạch 2,579 tỷ USD, tăng 83% về lượng và 91% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tháng 11 lượng xe nhập về không tăng so với tháng trước, nhưng lượng xe bán ra lại tăng gần gấp đôi (95%). Biểu đồ phía dưới cho thấy, xe nhập khẩu nguyên chiếc (cột màu đỏ) tháng 11 có bước nhảy vọt so với 10 tháng còn lại trong năm.
Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân của sự thay đổi lớn ở doanh số xe nhập khẩu, đến từ những chính sách thuế phí mới ban hành cũng như sức phát triển chung của thị trường.
Chính phủ mới ban hành Nghị định 108 đầu tháng 11 điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực từ 1/1/2016. Theo đó, giá tính thuế TTĐB chuyển từ giá vốn sang giá bán buôn (giá vốn + lợi nhuận, chi phí bán hàng, marketing, vận chuyển). Mức thuế TTĐB theo cách tính mới sẽ tăng lên, do đó giá bán xe nhập khẩu sẽ tăng theo từ đầu 2016.
Doanh số các dòng xe toàn thị trường 2015. |
Khách hàng còn 2 tháng là tháng 11 và 12 để tranh thủ mua xe, tránh mức thuế đẩy giá lên cao vào đầu năm sau. Thậm chí, sang năm tới mức giá còn có thể cao hơn nữa nếu Quốc hội phê duyệt mức tính thuế TTĐB mới, đánh mạnh vào xe 2 lít trở lên, phân khúc hiện diện nhiều dòng xe nhập khẩu.
Bên cạnh đó, sức phát triển toàn ngành không chỉ giúp xe lắp ráp trong nước mà xe nhập khẩu cũng tăng trưởng. Nếu trước đây, xe nhập khẩu giới hạn ở số lượng nhỏ xe sang, giá trị tính bằng tỷ đồng, thì hiện nay đối tượng xe nhập khẩu mở rộng, từ những xe nhỏ như Grand i10 giá 400 triệu tới xe sang, siêu sang hàng chục tỷ.
Sự phát triển của danh mục xe nhập khẩu giúp khác hàng có nhiều lựa chọn để đặt lên bàn cân so sánh với xe lắp ráp trong nước.
"Lợi thế của xe nhập khẩu là khách hàng đặt niềm tin lớn hơn về chất lượng, do đó nếu giá cả cạnh tranh, dòng xe này dễ dàng lên ngôi", một chuyên gia nhận định. Thực tế, tháng 11/2015, mẫu xe bán chạy nhất thị trường không còn là Vios lắp ráp (1.257 xe) như mọi khi mà là chiếc bán tải nhập khẩu Ford Ranger (1.333 xe).
Các hãng xe nhập đều đứng trước một năm tăng trưởng mạnh, trước khi đương đầu "đón bão" vào 2016. Số liệu của Lexus thuộc VAMA cho thấy, tháng 11 hãng này bán 56 xe, trong khi tháng 10 chỉ là 45 xe.
Thị trường toàn ngành xe hơi Việt năm 2015 cho thấy triển vọng bứt phá mạnh so với năm ngoái, đến thời điểm này toàn ngành bán 215.517 xe, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 137.602, thậm chí cả năm 2014 chỉ đạt hơn 180.000. Nếu giữ đà tăng trưởng đến cuối năm, doanh số toàn ngành có thể đạt tới 230.000-240.000 xe, vượt xa con số 150.000 mà VAMA dự đoán hồi đầu năm.
Thị trường tăng trưởng, nhưng giá xe không có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí tăng lên mặc cho những lợi thế về thuế nhập khẩu đang tới rất gần. Giá xe ở Việt Nam khó giảm, nếu các nhà làm chính sách không bỏ ôtô ra khỏi danh mục hàng xa xỉ, cần hạn chế.
Đức Huy