Các chuyên gia không tìm thấy sự cố từ hệ thống kiểm soát bướm ga điện tử, như một số cáo buộc trước đây.
Bộ trưởng Giao thông Ray LaHood nói: "Chúng tôi đã lựa chọn những kỹ sư giỏi và thông minh nhất để nghiên cứu hệ thống điện tử trên xe Toyota. Không có nguyên nhân tăng tốc nào liên quan tới hệ thống này".
Cơ quan an toàn giao thông Mỹ NHTSA đã kêu gọi các nhà khoa học và kỹ sư từ Cơ quan hàng không vũ trụ NASA tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự cố tăng tốc. Những chuyên gia này đảm nhiệm các lĩnh vực như điều khiển điện tử, nhiễu điện từ cũng như kiểm định phần mềm.
Chiếc ES350 nát vụn sau vụ tai nạn liên quan đến lỗi chân ga. Ảnh: ABC |
Trong suốt quá trình triệu hồi xe, Toyota vẫn khẳng định lỗi không liên quan tới phần mềm.
"Chúng tôi tin rằng kết quả do những kỹ sư giỏi nhất nước Mỹ đưa ra sẽ một lần nữa củng cố tính an toàn trên xe Toyota và Lexus", giám đốc kiểm soát chất lượng Steve St. Angelo của Toyota nói với CNN.
NHTSA cho biết hai nguyên nhân chính dẫn tới việc triệu hồi hàng loạt ở Toyota là chân ga bị dính và thảm lót sàn sai quy cách, đè lên chân ga.
Tuy nhiên, cơ quan này còn liệt kê một nguy cơ khác. Đó là người lái thay vì đạp phanh thì lại nhấn chân ga. Và đó là nguyên nhân phổ biến trong các vụ tai nạn mà NHTSA điều tra.
"Tăng tốc đột ngột không chỉ có ở Toyota. Vài năm gần đây, hai phần ba số vụ liên quan tới hiện tượng này xảy ra trên các xe khác", Ron Medford, Phó giám đốc NHTSA phát biểu.
Còn David Champion, đứng đầu bộ phận test xe của tạp chí Consumer Reports thì nhận xét "Đây là tin vui cho những người sở hữu xe Toyota. Họ có thể thở phào nhẹ nhõm".
Khi Toyota triệu hồi hàng triệu xe để sửa lỗi chân ga và thay thảm lót sàn, một số nhà sản xuất không đồng tình với hai nguyên nhân trên. Họ cho rằng có thể hệ thống điều khiển bướm ga điện tử bị lỗi.
Trên các dòng xe hiện đại, cảm biến chân ga sẽ chuyển tín hiệu tới máy tính. Sau đó máy tính điều khiển độ mở bướm ga. Sự tăng ga đột ngột có thể do phần mềm điều khiển sai, dẫn tới việc mở bướm ga, dù tài xế không hề đạp chân ga. Trước đó, chân ga nối với bướm ga bằng dây dẫn.
Akio Toyoda (ngoài cùng bên phải), Tổng giám đốc Toyota tại một nhà máy của Toyota tại Georgetown, Kentucky (Mỹ) vào tuần trước. Ảnh: AP. |
Toyota đã cung cấp không giới hạn mã chương trình điều khiển cho các kỹ sư NASA. Mọi tình huống giả định về tăng tốc đột ngột đã được mô hình hóa, nhưng không có liên hệ nào. Sau sự cố, Toyota nâng cấp phần mềm với chức năng "Brake Overdrive". Khi cả chân ga và phanh cùng được đạp, máy tính sẽ tự động giảm công suất động cơ.
NHTSA cũng cho biết sẽ trình dự luật yêu cầu tất cả xe mới bán ra ở Mỹ phải có tính năng "Brake Overdrive". Ngoài ra, nút khởi động Start/Stop cũng sẽ được chuẩn hóa và gắn thêm hộp đen, ghi lại các thông số vận hành của ga và phanh.
Chân ga và chân phanh còn được nghiên cứu để hạn chế việc nhầm lẫn của tài xế.
Trong khoảng thời gian 2008-2010, Toyota đã triệu hồi 8,5 triệu xe các loại, từ Camry, RAV4 tới Lexus vì lỗi tăng tốc đột ngột. NHTSA ghi nhận 52 cái chết liên quan đến việc tăng tốc đột ngột trên các xe Toyota, kể từ 2000.
Thế nhưng vấn đề đã không được chú ý đúng mức cho tới khi cựu sĩ quan tuần tra giao thông California Mark Saylor bị chết cùng 3 thành viên trong gia đình, khi chiếc Lexus bị nạn do mất kiểm soát chân ga gần San Diego. Vụ tai nạn ngày 28/8/2009 nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông.
Một tháng sau, ngày 5/10, nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới ra thông báo triệu hồi 3,8 triệu xe mang nhãn hiệu Lexus và Toyota do lỗi thảm lót thiết kế sai. Đến tháng 1/2010, thêm 2,3 triệu xe bị triệu hồi nữa do khả năng dính chân ga.
Nguyễn Nghĩa