BMW serie 7 là một thành viên bộ tam hạng sang cao cấp nổi tiếng của Đức, gồm Audi A8 và Mercedes S-class. Cuộc cạnh tranh của chúng thường được dùng để thể hiện bộ mặt của ngành công nghiệp ôtô thế giới. Bởi gần như mọi sáng tạo về thiết kế, công nghệ an toàn, công nghệ động cơ, tính năng lái đều thể hiện ở sân chơi đẳng cấp này.
Thế hệ đầu tiên (E23, 1977-1986)
Serie 7 đầu tiên xuất hiện năm 1977, phát triển trên mẫu serie 6 coupe. Mục tiêu của BMW là kết hợp giữa vẻ ngoài lịch lãm với công nghệ mới. Khi ra đời, serie 7 mang mã E23 trong danh mục sản phẩm của hãng xe quê Bavaria, Đức. Lúc đó, nó được nhắm tới tính năng lái thể thao, để cạnh tranh với đối thủ S-class vốn nổi tiếng nhờ sự sang trọng cho hành khách. Khách hàng tiềm năng, dĩ nhiên là giới thượng lưu.
Mẫu xe cao cấp nhất trong hệ thống serie 7 trình làng 1980. Đó là 745i. Điều đặc biệt là những con số đứng sau số "7" hồi đó lại chẳng mang ý nghĩa về dung tích xi-lanh. BMW 745i trang bị động cơ 3,2 lít 6 xi-lanh tích hợp công nghệ tăng áp turbin và là một trong những mẫu xe đứng đầu thị trường xe sang.
Qua 9 năm, tổng số có hơn 280.000 chiếc E23 được sản xuất, một thành công ngoài sức tưởng tượng cho BMW.
Thế hệ thứ hai (E32, 1987-1994)
Thế hệ serie 7 thứ hai mang mã E32 và khai sinh năm 1986 với những thay đổi lớn nhờ sự quý phái trong thiết kế, sức mạnh tăng cường, tính năng lái và ứng dụng hàng loạt công nghệ mới. Đây cũng là khởi đầu của phiên bản trục cơ sở dài LWB (Long WheelBase) với chữ "L" gắn trên tên xe. Ở phiên bản LWB, chiều dài tổng thể nới thêm khoảng 114 mm so với bản tiêu chuẩn.
Nếu serie 7 thế hệ đầu tiên chỉ lắp động cơ 6 xi-lanh thì sang E32, BMW quyết định đưa động cơ V12, vốn bị ngừng phát triển từ 1930. Mẫu xe đầu tiên trang bị kiểu V12 là 750Li. Động cơ 5 lít này sản sinh ra công suất 269 mã lực. Đến 1992, BMW đưa thêm động cơ V8 lên serie 7 ở các phiên bản 730i và 740i. Tổng số có 300.000 chiếc serie 7 tới tay khách hàng trong 8 năm.
Thế hệ thứ ba (E38, 1995-2001)
Serie 7 thời này mang mã E38 và là một trong những "tuyệt phẩm" của làng xe hơi thế giới. Kể từ khi trình làng đến lúc kết thúc chu kỳ sản phẩm, E38 luôn là biểu tượng mẫu mực, xứng đáng là chiếc xe của thời đại. Tờ Auto Motor und Sport của Đức miêu tả nó "Gọn gàng, tỏa sáng trên từng bước đi".
Người ta ví E38 sở hữu sự sang trọng lịch lãm của chiếc sedan hạng sang nhưng tính năng lái lại dễ chịu, thoải mái như xe hạng nhỏ. Nó cũng là sản phẩm giúp định nghĩa cho các loại xe sang hiện tại, với công nghệ mới, sự dễ chịu và cảm giác hưởng thụ độc nhất.
BMW giới thiệu rất nhiều phiên bản động cơ để khách hàng lựa chọn. Từ loại 6 xi-lanh đến 12 xi-lanh và cả động cơ dầu. Sau 7 năm rưỡi tồn tại, thế hệ thứ ba tiêu thụ được 327.000 chiếc. Một trong số đó vẫn còn được sử dụng cho đến hôm nay.
Thế hệ thứ tư (E65/66, 2002-2009)
Nếu thế hệ thứ ba lấy được sự thống nhất của tất cả mọi người bao nhiêu, từ giới truyền thông, người tiêu dùng đến các đối thủ, thì thế hệ thứ tư (mang mã E65/66) lại gây tranh cãi bấy nhiêu.
Thiết kế bị đánh giá là ù ì, nặng nề do Chris Bangle chấp bút. |
Ngay từ khi ra mắt năm 2001, serie 7 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi những phản ứng trái chiều. Công lớn cho việc biến E65/66 thành tâm điểm của dư luận là nhà thiết kế Chris Bangle. Hầu hết giới truyền thông đều không thích cách ông thiết kế phần đuôi.
Thế nhưng, trải qua thời gian, những thành kiến ít dần và công chúng cuối cùng lại nhận ra họ yêu sự phá cách đó. Tạp chí Autoweek của Mỹ gọi những mẫu ảnh hưởng thiết kế của ông, như serie 3, serie 5, Z4 và X6 là "Bangles - những chiếc xe Bangle".
Phần đuôi bị cho là nặng nề của serie thế hệ thứ tư. |
Serie 7 thế hệ này sở hữu động cơ được cải tiến vượt bậc. Hệ thống treo tối tân và trọng lượng tổng thể nhẹ hơn (dù chiều dài nới thêm). Thế nhưng, một lần nữa giới truyền thông lại chỉ trích vì chức năng điều khiển trung tâm iDrive. Các nhà báo cho rằng nó quá phức tạp và thiếu tính trực giác. Những tài xế xe lâu năm rất khó quen với việc nhiều nút điều khiển bị "nhét" hết vào một núm xoay trung tâm. Họ khó lòng thao tác khi vừa lái vừa chỉnh điều hòa.
Nội thất serie 7 thế hệ E65 nổi tiếng với hệ thống iDrive, gồm nút điều khiển trung tâm (gần bệ để tay) và màn hình LCD. |
Với những người trẻ thì iDrive mang lại sự háo hức, bởi giao diện và cách thức thao tác giống như máy tính. Vị trí đặt núm trung tâm cũng rất thuận tiện và không khó khăn khi sử dụng giống như những gì giới truyền thông và lái già phàn nàn.
Đây cũng là thế hệ mà BMW đưa công nghệ sử dụng hydro hóa lỏng vào thử nghiệm. Ở chế độ dùng hydro (với khoảng 8 kg hydro hóa lỏng ở nhiệt độ -253 độ C), xe có thể đạt hành trình 200 km trước khi hết nhiên liệu. Ở nhiệt độ thấp như vậy (âm 253 độ C), BMW sử dụng công nghệ cách nhiệt đặc biệt cho bình hydro và theo tính toán, một cục nước đá để vào đó sau 13 năm mới chuyển hết sang dạng lỏng.
Thế hệ thứ năm (F01/02, 2010-)
Serie 7 thế hệ thứ năm, mang mã F01 (F02 cho bản trục cơ sở dài LWB) trình làng tại triển lãm Paris hồi tháng 9/2008 với những thay đổi đáng kể ở ngoại thất.
Hầu hết các trang báo ôtô thế giới đều nhận định serie 7 2009 đã hiền hậu hơn nhiều. Chiếc sedan hạng sang cao cấp này không gây ra tranh cãi nảy lửa về "xấu - đẹp" như thế hệ trước hay Z4. Các đường nét bắt đầu trở lại phong cách truyền thống của hãng xe hạng sang Đức.
Phần đầu và đuôi xe được thay đổi nhiều nhất, nơi đèn pha và đèn hậu thiết kế đơn giản, nhẹ nhàng và không cách điệu. Chiều dài tổng thể vào khoảng 5.100 mm, hơn đôi chút so với mẫu xe hiện tại.
Nội thất serie 7 mới vẫn sử dụng cụm điều khiển trung tâm iDrive tuy nút điều chỉnh được đưa sang phía ghế phụ, cạnh cần số. Đây là mẫu xe đầu tiên của BMW lắp hộp số tự động 8 cấp, tương đương với LS460 của Lexus.
Serie 7 thế hệ thứ năm có vóc dáng nhẹ nhàng, mượt mà hơn rất nhiều. Hệ thống iDrive vẫn được tích hợp nhưng nút điều chỉnh để gần ghế phụ hơn. |
Trọng Nghiệp
Ảnh: BMW