Trên thế giới chỉ có vài thương hiệu thanh thế như Ferrari, và cũng chỉ có một vài người có tầm như Luca Cordero di Montezemolo, vị CEO suốt 25 năm qua của hãng siêu ngựa Italy.
Mái tóc bồng bềnh gợn sóng, những bộ vest phong cách và chất lịch lãm của người Italy, Montezemolo như hình ảnh một vị thần trong làng xe đua và xe thể thao. Tỷ phú trên khắp thế giới tranh giành sự chú ý và ủng hộ của ông, háo hức để được sở hữu những mẫu xe mới nhất cùng những phiên bản đặc biệt.
Không những giá trị thương hiệu, ông còn lãnh đạo thành công sức khỏe tài chính công ty. Ferrari báo cáo kết quả kinh doanh nửa đầu năm, doanh số bán hàng tăng 14%, đạt gần 1,75 tỷ USD và lợi nhuận tăng 5%, tới 239 triệu USD.
Trước thông tin vị CEO suốt 25 năm từ chức, nhà sưu tập, đại lý, khách hàng và người hâm mộ Ferrari đầy giận giữ. Bernie Ecclestone, ông trùm công thức 1, so sánh sự ra đi của Montezemolo cũng mất mát to lớn cho Ferrari như khi Enzo Ferrari qua đời.
"Với tôi ông ấy ra đi cũng đau đớn như cái chết của Enzo trước đây", Ecclestone trả lời Reuters. "Ông ấy trở thành Ferrari.Thấy Montezemolo là thấy Ferrari và ngược lại".
Marcel Massini, một trong những nhà sử học Ferrari hàng đầu thế giới, cũng là người tư vấn cho những nhà sưu tập xe, khẳng định những thành công thương hiệu và tài chính của Ferrari đều do Montezemolo mà có.
Luca Di Montezemolo, vị CEO suốt 25 năm qua chuẩn bị từ chức. |
Rất nhiều người mê Ferrari chuyển sang ngắm nghía Porsche và Maserati. Trong đó Maserati là hãng xe vốn cùng do Fiat Chrysler sở hữu mới tăng doanh số gấp 3 lần bởi áp dụng mức giá thấp.
"Tất cả phụ thuộc vào cách mà Fiat vận hành Ferrari thời đại hậu Montezemolo", Massini nói. "Tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu họ giảm sản xuất xuống 4.000-5.000 xe hơn là việc nâng lên thành 10.000-20.000 xe mỗi năm. Trong những ngày đầu, Ferrari đã thực sự rất đặc biệt, chỉ những người ở đỉnh cao sở hữu chúng. Siêu ngựa không nên nhàm chán như nhiều thương hiệu cao cấp hiện nay".
Maserati, ông nói, "không có gì đặc biệt cả".
Massini phân tích sự thay đổi CEO Ferrari không ảnh hưởng đến mức giá của những chiếc Ferrari cổ, như chiếc GTO 1962 mới trở thành xe bán đấu giá đắt nhất thế giới, ở mức 38 triệu USD.
Nếu Ferrari sản xuất nhiều xe hơn, mức giá cho những phiên bản hiện nay, dưới thời Montezemolo sẽ bị đẩy cao do nhiều người muốn sở hữu, ngày càng khan hiếm.
"Hãy đánh cược với tôi trong 2 năm", ông nói. "Tới khi đó, chúng ta sẽ không biết được rằng sự thay đổi này tác động lên giá trị thương hiệu và tình hình tài chính của hãng siêu xe Italy".
Theo VnExpress