"2 giây" là khoảng thời gian đủ để đi 175 m nếu phi ở tốc độ 315 km/h với SLS AMG, hoặc 56 m ở 100 km/h của Honda Civic. Khoảnh khắc này trong một tình huống khẩn cấp giống như lằn ranh giữa tai nạn hoặc không, sống hoặc chết. Nếu chiếc xe phản ứng thích hợp trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, cơ hội sống cao hơn rất nhiều. Nếu xe phản ứng sai, hoặc không phản ứng gì, tài xế không còn cơ may rút kinh nghiệm.
S400 Hybrid thế hệ mới của Mercedes. |
Công nghệ an toàn chia thành chủ động và bị động. An toàn chủ động gồm những hệ thống hỗ trợ trước khi tai nạn xảy ra, giống như các giác quan của con người trước nguy hiểm. An toàn bị động hỗ trợ khi tai nạn đã xảy ra, gồm những phần cứng cơ thể như xương sườn, xương sọ.
Hãng xe Đức chia nhỏ tiêu chí an toàn thành các bước gồm ngăn chặn, phản ứng, bảo vệ và giải cứu. Và trong 80.000 sáng chế, phần lớn mercedes tập trung cho việc bảo vệ hành khách với châm ngôn: "Lái xe chỉ thú vị khi an toàn".
Với an toàn bị động, Mercedes là hãng đầu tiên có bằng phát minh về "thân xe hấp thụ xung lực", tác phẩm của kỹ sư Béla Barenyi. Thân xe được thiết kế bao gồm ca-bin cứng, vững chắc để bảo vệ hành khách và các phần nối dài làm từ những vật liệu mềm hơn để hấp thụ xung lực trong trường hợp xảy ra tai nạn.
Năm 1959, lần đầu tiên ứng dụng phát minh này trên chiếc W180 Ponton. Trải qua hơn 6 thập kỷ, tất cả các loại xe hơi trên thế giới đều thiết kế theo quy cách này. Béla Barenyi và nhóm nghiên cứu an toàn còn đưa ra gói an toàn bị động như trụ lái tự gãy rời khi va chạm để tránh không đâm vào người lái hay bảng đồng hồ và táp-lô vật liệu mềm giảm thương tích.
Năm 1987, Mercedes và BMW tung ra công nghệ kiểm soát độ bám đường TCS (Traction Control System) với chức năng phanh độc lập ở mỗi bánh và giảm ga giữ độ bám cho xe trong những tình huống khẩn cấp. TCS là khởi thủy của ESP, bởi TCS chỉ làm nhiệm vụ duy trì độ bám mà không trợ giúp tài xế đánh lái.
Sau đó, BMW và Mercedes cùng hợp tác với hãng phụ trợ Robert Bosch phát triển TCS lên cao hơn. Nhưng BMW chỉ tập trung vào giải pháp tự động giảm ga để duy trì độ bám. Trong khi Mercedes cùng Bosch nghiên cứu công nghệ duy trì độ cân bằng tự động mang tên tiếng Đức Elektronisches Stabilitätsprogramm (Electronic Stability Programme) sau này thương mại hóa dưới cái tên ESP.
Năm 1995, Mercedes lần đầu tiên đưa esp lên sản phẩm thương mại, chiếc S600 Coupe là mẫu xe. Kể từ đó, ESP dần phổ biến với nhiều cách gọi khác nhau, tùy theo cách gọi của từng hãng như ESC, DSC (BMW), VSA (Acura), VDC (Fiat), VSC, PSM (Porsche). Dù thế nào thì nguyên tắc hoạt động cũng giống nhau, dựa trên giải pháp của Mercedes. Từ 1999, toàn bộ xe Mercedes đều trang bị ESP, ngoại trừ những dòng xe thể thao đặc biệt.
Dù không phát minh ra hệ thống chống bó cứng phanh abs nhưng Mercedes lại là hãng tiên phong ứng dụng. Năm 1978, S-class là dòng xe đầu tiên trang bị ABS thế hệ thứ hai. Đến 1980, toàn bộ xe Mercedes trên thế giới đều trang bị công nghệ này. Trong khi đó ở Việt Nam hiện còn nhiều xe của các hãng châu Á đời 2011 chưa có ABS.
Với chức năng là "giác quan", các hệ thống an toàn chủ động sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu không phối hợp một cách nhuần nhuyễn với nhau. Hãng xe Đức đưa ra giới hạn "2 giây" kể từ khi nhận ra nguy hiểm để mọi hệ thống an toàn phải ở trạng thái sẵn sàng. Ngoài tác động vào hệ thống vận hành, Mercedes còn tung ra giải pháp Pre-Safe bảo vệ trực tiếp hành khách.
Pre-Safe là khái niệm mới về bảo vệ dựa trên nguyên tắc phòng ngừa và không phải là một thiết bị riêng lẻ. Hệ thống này liên kết với ESP, trợ lực phanh BAS và nhờ vào một tập hợp cảm biến để thu thập dữ liệu để phản xạ ngay khi chớm nhận ra dấu hiệu khởi phát của một mối nguy nào đó.
Khi gặp tình huống khẩn cấp và cần phanh gấp thông qua hệ thống trợ lực phanh, Pre-Safe lập tức ra lệnh cho các dây an toàn siết chặt, giữ tài xế và hành khách hàng ghế trước. Đồng thời, ghế lùi về phía sau, tăng khoảng cách ghế với bảng đồng hồ. Dây an toàn trang bị bộ chỉnh điện có khả năng phản ứng siết chặt chỉ trong vài phần nghìn giây từ trạng thái bình thường.
Ngoài ra, Pre-Safe còn điều chỉnh nệm và lưng ghế chuyển sang tư thế bảo vệ. Ghế sẽ trượt đến vị trí an toàn để vai người ngồi được giữ chắc và tránh đến mức thấp nhất chấn thương nếu phải bung túi khí. Nếu mất lái, Pre-Safe tự động đóng cửa sổ trời và cửa kính, hỗ trợ và tăng tác dụng của túi khí hông khi nó bung ra, trong trường hợp va chạm cạnh hoặc xe lật. Bảo vệ người ngồi không bị văng ra ngoài hoặc cản không cho vật lạ bay vào xe.
Nếu các thông số vượt ngưỡng an toàn, xe bị tai nạn thì động cơ tự động ngắt, đóng hệ thống cung cấp nhiên liệu để đề phòng cháy nổ. Đèn cảnh báo bên ngoài tự động bật lên, báo hiệu cho các phương tiện xung quanh và đèn thoát hiểm trong ca-bin rọi sáng để chỉ lối thoát cho hành khách.
Khóa cửa vừa đóng lại trong vài giây trước lập tức tự động mở và trong một vài trường hợp của sổ tự hạ thấp để lấy không khí cũng như để tạo điều kiện liên lạc giữa bên ngoài và bên trong. Các khớp nối giữa cửa và thân xe được thiết kế để dễ tháo rời trong trường hợp đâm xe trực diện.
Công nghệ đã giúp chiếc xe không còn là vật vô tri vô giác mà được cài đặt để hiểu và phản ứng với các tình huống, theo nguyên tắc bảo vệ tối đa con người.
Nguyễn Nghĩa