Chức năng truyền lực là chủ yếu nên dầu phanh yêu cầu khả năng chịu nén tốt, làm việc ổn định ở nhiệt độ cao. Nhưng thật không may với loại dầu DOT 3, DOT 4 hiện đang dùng phổ biến lại có gốc glycol (rượu) với đặc tính hút nước mạnh. Khi lẫn khoảng 3% nước, nhiệt độ sôi của DOT 3 giảm từ 205 độC xuống 140 độC. DOT 4 chỉ còn sôi ở 155 độC.
Khi phanh xe, cơ năng chuyển hóa thành nhiệt làm nóng cơ cấu phanh. Dầu ở xi-lanh bánh xe nhận nhiệt và nóng dần lên. Trong một số trường hợp như đổ đèo dài, lái xe chưa có kinh nghiệm phanh liên tục thay vì về số, nhiệt độ tăng cao, dầu phanh có thể bị sôi. Bên trong hệ thống xuất hiện bọt khí.
Nắp bình chứa dầu phanh trên xe. |
Bọt khí trong dầu phanh bị nén lại, triệt tiêu áp suất do lực đạp và trợ lực phanh sinh ra. Kết quả, lực đạp phanh nhẹ hơn bình thường, cảm giác phanh xe không ăn dù đã đạp hết mức.
Dầu lẫn nước cũng khiến những chia tiết đắt đỏ của hệ thống lần lượt "ra đi". Yên phanh, xi-lanh bánh xe hay cụm ABS dần bị ăn mòn từ bên trong. Bởi vậy, nên thay dầu phanh sau 3-5 năm sử dụng.
Có nhiệt độ sôi cao hơn dầu gốc rượu, không hề hút nước, dầu gốc silicone như loại DOT5 có điểm yếu là khí làm kín. Do độ nhớt khác so với DOT3, DOT4 nên hầu hết các hãng xe không khuyên sử dụng DOT5 đối với hệ thống phanh trang bị ABS.
Không trộn lẫn dầu gốc rượu (DOT3 và DOT4) với dầu gốc silicone (DOT5). Bạn dễ dàng tìm thấy thông tin về loại dầu phanh xe sử dụng trên nắp bình chứa.
Thế Hoàng