Giám đốc truyền thông BMW từng nổi tiếng với câu trả lời " toyota không thể hỏng những gì nó không có" trước câu hỏi của phóng viên "Vì sao xe BMW hay hỏng vặt còn Toyota thì không?".
Nhưng ngành công nghiệp bốn bánh ngày càng hiện đại, số lượng và độ tinh vi của công nghệ áp dụng trên xe hơi cũng tăng nhanh. Bên cạnh đó, mạng lưới các nhà sản xuất phụ tùng và các hãng đan chéo nhau, nhiều hãng xe cùng dùng chung đồ do một hãng xe cung cấp. Do đó xảy ra hiện tượng xe của châu Âu, châu Á hay Mỹ đều mắc chung một chứng bệnh.
Những năm gần đây, lần lượt từng hãng lớn thay phiên nhau hứng chịu hậu quả của từng đợt triệu hồi lớn, nhẹ có thể gây cháy, nổ, nặng dẫn tới chết người. Trách nhiệm xã hội và áp lực của truyền thông khiến triệu hồi trở thành nỗi ám ảnh, ác mộng với hãng xe.
Ford
Cơn ác mộng đầu tiên ập đến với ford trong thế kỷ 21 là thời điểm 2001, khi chiếc Explorer, dòng SUV bán chạy nhất Mỹ có vấn đề về lốp. Loại lốp Firestone lắp trên xe dễ bị bong mặt lốp, dẫn tới những tình huống tai nạn bất ngờ không thể kiểm soát, dẫn tới cái chết của hơn 200 người.
Nhưng gần đây nhất là đợt triệu hồi năm 2009, trước đó nhiều năm Ford đã liên tiếp phải chịu đựng những những lần triệu hồi triền miên. Đến 2009, con số vào khoảng 4,5 triệu xe. Nguyên nhân đến từ lỗi nút bấm của hệ thống kiểm soát hành trình, có thể gây ra cháy nổ.
Toyota
Trong hai năm 2009 và 2010, thị trường Mỹ chứng kiến hãng xe Nhật triệu hồi tới khoảng 12 triệu xe. Những xe bị gọi về sửa chữa có nhiều lỗi khác nhau, nhưng chủ yếu ở lỗi tấm lót sàn làm kẹt chân ga, chân ga bị dính và lỗi xe tăng tốc đột ngột, gây ra 52 cái chết.
Khi đó, Toyota bên cạnh triệu hồi để khắc phục sự cố, còn bị phạt 16,4 triệu USD, khung cao nhất vì hãng này chậm trễ trong việc thông báo sự cố chân ga cho khách hàng, thậm chí đã có ý định giấu nhẹm sự việc.
GM
Lỗi công tắc đánh lửa của GM khiến cả nước Mỹ chịu đựng nhiều thông tin đau buồn trong hơn 10 năm. Ban đầu, GM từ chối công nhận những tai nạn chết người là do lỗi của xe, nhưng sau đó các cơ quan chức năng vào cuộc, buộc GM phải có hành động chịu trách nhiệm.
Năm ngoái, GM triệu hồi 2,6 triệu xe, nâng tổng số xe phải triệu hồi vì lỗi này lên trên 30 triệu, từ nhiều dòng khác nhau. Hơn 10 năm, có 124 người thiệt mạng và 275 người bị thương. Mới đây, tòa án chính thức tuyên bố số tiền bị phạt của GM là 900 triệu USD do những lỗi vừa qua bởi mức khởi tố hình sự. Số tiền mà hãng xe Mỹ chi cho khủng hoảng bao gồm chi phí triệu hồi, sửa chữa, đền bù gia đình nạn nhân, nộp phạt... lên tới 4 tỷ USD.
Takata
Dù không phải là một hãng xe nhưng takata lại là ngòi nổ gây ra đợt triệu hồi trên diện rộng nhất lịch sử. Hãng sản xuất túi khí Nhật Bản gây ra lỗi bơm hơi hoạt động quá mạnh khi xảy ra va chạm, làm vỡ những mảnh nhựa hoặc kim loại, bắn vào người trên xe gây nguy hiểm. Trên thế giới có 6 người chết vì lỗi túi khí này của Takata, 5 người tại Mỹ và một người tại Malaysia, tất cả đều trên xe của Honda.
Đợt triệu hồi liên quan đến túi khí Takata ảnh hưởng tới các hãng Honda, Toyota, Nissan, Mazda, Mitsubishi, Ford, BMW, Mercedes, GM, Chrysler... trên 33,8 triệu xe. Tức là cứ 7 chiếc xe chạy trên đường phố Mỹ thì có một xe bị triệu hồi. Thiệt hại nặng nề nhất trong sự cố lần này là Honda.
Volkswagen
Mới đây nhất là Volkswagen. Vài ngày trước Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết gần 500.000 xe volkswagen vi phạm tiêu chuẩn khí thải sau khi nhà sản xuất xe hơi Đức sử dụng một phần mềm trái pháp luật để vượt qua những bài kiểm tra.
Do đó, Volkswagen đứng trước nguy cơ phải nộp phạt hàng tỷ USD. Cụ thể, mức phạt dân sự tối đa có thể tới 37.500 USD cho mỗi xe trong tổng số 482.000 chiếc, tức tổng tiền lên tới 18 tỷ USD.
Sự cố này chưa dừng lại ở Mỹ mà còn có thể xảy ra với xe Volkswagen ở một số thị trường khác. Cục bảo vệ môi trường Mỹ cho Volkswagen một năm để khắc phục vấn đề.
Đức Huy