Năm 1956, GM làm một đoạn phim thương mại để thể hiện xu hướng xe hơi của tương lai: tài xế nhập vào cao tốc, đặt xe về chế độ tự động lái "autopilot" và bỏ tay khỏi vô-lăng, thư giãn hành trình.
60 năm sau, các nhà sản xuất xe hơi đang dần biến giấc mơ này thành sự thật. Nhưng sự phát triển quá nhanh của công nghệ khiến các nhà làm luật và quản lý chưa thể bắt kịp, như công nghệ lái rảnh tay, thay đổi theo tháng, chứ không phải theo năm, nytimes dẫn.
Mùa hè này, hãng xe điện Tesla hứa sẽ tích hợp cho chiếc sedan Model S công nghệ giúp vận hành trên đường cao tốc dưới những điều kiện nhất định. Trong tháng một, Audi giới thiệu một mẫu xe có thể tự vận hành ngay cả khi tắc đường. Và năm sau, Cadillac sẽ trình làng chế độ chạy "Super Cruise" giúp xe kiểm soát hành trình mà tài xế không cần giữ tay trên vô-lăng.
Tài xế không cần chạm tay vào vô-lăng. |
Các hình thức khác của chế độ lái rảnh tay đã xuất hiện. Những hãng xe sang như Mercedes và Infiniti cung cấp tính năng giữ đúng làn đường, cho phép tài xế bỏ tay khỏi vô-lăng mà xe vẫn không lệch làn khi chạy thẳng.
Nhưng tiến bộ công nghệ mang tới vấn đề: liệu có hợp pháp?
Đại đa số các tiểu bang ở Mỹ không có quy định cho việc này. Một số bang cho phép nhưng chỉ dừng ở mức nghiên cứu và thử nghiệm. Chỉ có New York cụ thể yêu cầu tài xế giữ một xe trên vô-lăng, nhưng đây đã là luật từ 1967.
Kết quả là các hãng đẩy mạnh thâm nhập vào những khoảng trống pháp lý.
"Trong trường hợp không bị ngăn cấm, chúng tôi sẽ chứng minh được phép", Anna Schneider, phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ của Volkswagen cho biết, người đang sở hữu một chiếc Audi.
"Chúng tôi không cần bất cứ thay đổi nào trong luật lệ để tích hợp Super Cruise lên xe", Dan Flores, người phát ngôn GM cho biết. Tesla từ chối bình luận về vấn đề này.
Mới đây, một quan chức của Volvo chứng minh chiếc SUV XC90 của hãng trên con đường đầy lá ở New Jersey. Nằm trong kế hoạch ra mắt vào tháng 6 tới, XC90 có một chế độ lái bán tự động gọi là "pilot assist" giúp tài xế trong những lúc tắc đường.
Sau khi lái xe ấn nút trên vô-lăng, cảm biến quét hình ảnh đường và giữ xe ở khoảng cách an toàn vài lần chiều dài xe so với xe phía trước. Một biểu tượng màu trắng hiện lên ở cụm đồng hồ, và vô-lăng bắt đầu tự xoay.
Khi gặp đường cong, chiếc SUV cũng tự lấy lái, tự động điều chỉnh ga và góc lái. Xe duy trì chế độ này liên tục, mặc dù sau khoảng 5 giây, một đèn tín hiệu sáng trên bảng điều khiển nhắc tài xế chạm nhẹ vào vô-lăng.
Volvo cho biết không phải công nghệ này đòi hỏi như vậy, bởi thực tế xe có thể duy trì chế độ lái rảnh tay cho quãng đường dài, với tốc độ tới 50 km/h. Hiện tại Volvo thiết lập chương trình để XC90 giảm dần tốc độ nếu tài xế không phản ứng lại những chỉ dấu ánh sáng hiển thị.
Jim Nichols, một phát ngôn viên của Volvo giải thích công nghệ của họ không để cho lái xe trở nên tẻ nhạt, không hề chú ý gì đến những thứ xung quanh.
Các hãng xe đều cho rằng lái rảnh tay là bước phát triển tiếp theo hết sức tự nhiên của công nghệ xe hơi, sau những kiểm soát hành trình, chống bó cứng phanh hay cân bằng điện tử, những công nghệ tự thân phát triển mà không cần bất cứ sự cho phép nào từ nhà quản lý.
Các chuyên gia pháp lý cũng cho rằng việc phát triển công nghệ này là hoàn toàn phù hợp với luật pháp. "Hầu hết các tiểu bang không cấm lái xe tự động", Bryant Walker Smith, một giáo sư luật và cũng là kỹ sư tại đại học Nam Carolina cho biết.
Công nghệ mới có thể giúp tài xế nhắn tin mà không căng mắt nhìn đường. |
Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc công nghệ không bị quản lý, vì nếu một viên cảnh sát thấy tài xế lái xe mà không chạm tay vào vô-lăng, anh ta vẫn có thể dừng xe và ghi vé phạt, vì cho rằng hành động này gây nguy hiểm cho giao thông.
"Chính phủ liên bang chủ yếu là điều tiết thiết kế xe, như việc thiết kế này có phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn khi va chạm hay không?", ông Smith cho biết. Chiếc xe đang dần trở thành tài xế.
Với người tiêu dùng và quan chức địa phương, thứ quan tâm là tạo ra một luật lệ liên bang, chứ không phải chắp vá trên khắp nước Mỹ, Bernard Soriano, phó cục trưởng Cục phương tiện của California cho biết. Vì thế, cách tốt nhất là tạo ra quy định chung để các hãng tuân theo.
Cục An toàn giao thông Mỹ (NHTSA) cho biết họ không có thẩm quyền để kiểm soát những công nghệ này trên xe của các hãng. Chỉ tới khi nào, chiếc xe tự lái do các hãng bán ra xuất hiện vấn đề, gây rủi ro không an toàn, thì NHTSA mới được lên tiếng.
Một nhóm quan chức của các tiểu bang đã ngồi lại với nhau lần đầu tiên để phát triển những bộ hướng dẫn tập trung vào người tiêu dùng, ông Soriano làm chủ tọa. Với những quy định mới này, nhà chức trách dự định sẽ đưa vào thực tế từ cuối 2016.
Nhưng với công nghệ lái rảnh tay sẽ có mặt sớm trên thị trường, California và Nevada đã bắt đầu triển khai với những quy định riêng của từng bang dành cho người tiêu dùng.
Ông Soriano cho biết California đã gần hoàn thành dự thảo luật để áp dụng cho tài xế, mặc dù ít nhất 6 tháng nữa mới ban hành. Từ giờ tới khi đó, những hãng bán xe tự động lái có thể rơi vào tình trạng làm sai luật. Các nhà sản xuất nên hạn chế các tính năng trong nhóm này khi bán cho khách hàng California, ít nhất là tới khi có luật ban hành.
Tương tự, Nevada cũng soạn quy tắc cho người tiêu dùng, có thể phát hành vào cuối năm nay. Thông tin được tiết lộ bởi Jude Hurin, một quan chức trong Cục phương tiện.
Cuối cùng ông cho biết, cần tìm thấy sự cân bằng, hài hòa trong luật pháp.
"Chúng ta cần tính toán để quản lý nhưng không kìm hãm sự phát triển, quan trọng nhất là an toàn".
Đức Huy