Theo lộ trình cắt giảm thuế quan thuộc khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á sẽ giảm về 0%.
Ngành công nghiệp sản xuất ôtô và các nhà lắp ráp xe trong nước ít nhiều sẽ gặp khó khăn trước “cơn bão” nhập khẩu xe ôtô từ các nước trong khu vực.
Lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong năm vừa qua
Thực tế, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ôtô nhập khẩu của cả nước trong năm 2014 đã đạt hơn 71.000 chiếc với trị giá hơn 1,5 tỷ USD là con số kỷ lục cả về số lượng và giá trị. So với năm 2013, nhập khẩu xe nguyên chiếc tăng 102% về số lượng và tăng 119% về giá trị.
Cùng với đó là mối lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, khi sức ép từ thị trường nhập khẩu ngày càng lớn.
Mới đây, doanh nghiệp Toyota đã lên tiếng về khả năng ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại nhà máy ở Việt Nam để tiến hành nhập khẩu xe nguyên chiếc.
Đây là điều có thể dự báo được trước, khi trong suốt nhiều năm qua, hiệu quả của những chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước phát triển là không đáng kể.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp phụ trợ ôtô còn yếu và mới chỉ sản xuất chủ yếu các chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị thấp như gương, kính, ắc quy, bộ dây điện, ghế ngồi, vỏ xe.
Khi thuế suất bằng 0%, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xe nguyên chiếc thay vì lắp ráp như hiện nay
Nhiều nhà phân tích chính sách cho rằng, khi thuế suất bằng 0% thì nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu xe nguyên chiếc từ các thị trường trong khu vực để bán, thay vì sản xuất và lắp ráp sẽ tốn kém hơn.
Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giá xe ôtô giảm. Vì vậy, để làm ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh, áp lực đè lên vai các doanh nghiệp sản xuất ôtô tại thị trường trong nước sẽ là rất lớn.