Một cuộc họp đặc biệt diễn ra ngày 6/5 giữa ban lãnh đạo hai hãng và cổ đông chủ chốt ở Salzburg, Áo. Hai bên có 4 tuần để chuẩn bị các thủ tục.
Porsche, hãng đang tìm cách nắm quyền kiểm soát Volkswagen cho rằng quyết định được đưa ra sau nhiều tuần "đàm phán chuyên sâu". Thỏa thuận này còn là cơ hội để 10 thương hiệu về chung một nhà, trong đó có những tên tuổi Đức như Audi, Porsche, Volkswagen tới Skoda ở Cezch, Seat ở Tây Ban Nha, Lamborghini của Italy, Bentley ở Anh và Bugatti, Pháp.
Porsche Panamera trình làng tại triển lãm Thượng Hải. Ảnh: Autoblog. |
Để giải tỏa những nghi ngờ xung quanh việc các hãng xe trên sẽ bị quản lý theo kiểu gia đình trị, Porsche lớn tiếng khẳng định sự độc lập sẽ được đảm bảo.
Volkswagen, với tư cách ông lớn ở châu Âu, cho rằng sự kết hợp là hệ quả tất yếu, xuất phát từ tình hình tài chính và cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Chỉ có dựa vào nhau, các công ty mới có thể vượt qua. Nhu cầu sụt giảm có thể đánh gục bất cứ hãng nào.
Một ví dụ điển hình là Chrysler đã nộp đơn bảo vệ phá sản tuần trước, mở ra cơ hội hợp tác với tập đoàn Fiat của Italy. Thậm chí để sống sót, Fiat còn muốn có cả Opel của Đức, một thương hiệu thuộc General Motors.
Đồng ý hợp tác, so về mặt kinh tế, là thiệt thòi cho Volkswagen. Tập đoàn này có doanh số gấp 15 lần Porsche. Đó là chưa kể Porsche còn khoản nợ lên tới 11 tỷ USD. Thế nhưng, xét về quan hệ cá nhân giữa gia đình sở hữu Porsche và ban lãnh đạo VW thì điều này hoàn toàn dễ hiểu. Ngoài ra, hơn 50% cổ phẩn VW hiện nằm trong tay gia đính Porsche.
Một cổ đông lớn nữa là chính quyền bang Lower Saxony, chiếm 20% cổ phần VW, cũng có quyền quyết định tới kế hoạch dài hạn của công ty.
Porsche được Ferdinand Porsche, một kỹ sư người Áo, thành lập vào những năm đầu 1930. Sau đó ông được Aldolf Hitler yêu cầu chế tạo loại xe có tên gọi trong tiếng Đức là “volkswagen” (xe của nhân dân). Sản phẩm đó có tên là Beetle (con bọ), nổi tiếng khắp thế giới và Volkswagen chính thức trở thành nhà sản xuất ôtô do Hitler sáng lập.
Cố vấn cao cấp của Volkswagen hiện là Ferdinand Piech, cháu ngoại Ferdinand Porsche.
Thành lập vào năm 1937, tập đoàn Volkswagen là tài sản của chính phủ Đức cho đến khi nó được bán lại. Mối quan hệ của Porsche và Volkswagen bị chia rẽ khi mà chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Quân đội Anh đã tiếp quản nhà máy sản xuất đã bị bom đạn tàn phá của Volkswagen và tái khởi động dây chuyển sản xuất xe Beetle.
Nhà máy của Volkswagen làm việc dưới quyền chỉ đạo của đại tá Ivan Hirst. Sau chiến tranh thứ hai, năm 1948, chính phủ trao lại nhà máy cho người Đức nhưng lúc đó người tiếp quản Volkswagen lại là Heinrich Nordhoff - cựu lãnh đạo của hãng xe Opel. Kể từ đó, Volkswagen dần xa lánh quyền ảnh hưởng của gia đình Porsche.
Sau đó, Ferry Porsche - con trai của kỹ sư Ferdinand Porsche tiếp tục theo đuổi giấc mơ năm xưa của cha mình. Ông ấp ủ hi vọng một ngày nào đó Porsche sẽ là chủ sở hữu hợp pháp Volkswagen.
Nguyễn Nghĩa (theo AFP)