Hệ thống chống bó cứng phanh (Anti-lock Braking System) có tên thường gọi ABS. “Xe này có ABS không?” đã trở thành câu hỏi cửa miệng của người mua. Ở một số thị trường, ABS trở thành trang bị tiêu chuẩn. Bởi thế, cụm từ ABS thường đi kèm với quan niệm phanh tốt hơn. Khi đi trên phố đông hay đường cao tốc, một số lái xe ít kinh nghiệm thường chủ quan bám sát đuôi xe trước và đi với tốc độ cao hơn vì nghĩ rằng hệ thống phanh xe mình tốt hơn xe khác.
Trên thực tế, bạn sẽ mất 2 đến 3 giây để nhận biết và đạp phanh. Một khoảng thời gian dài hơn thế để xe dừng hẳn kể từ lúc phanh bắt đầu làm việc. Khoảng thời gian này phụ thuộc vào vận tốc, hệ thống phanh. Khoảng cách quá gần khiến bạn đâm vào xe trước, nhẹ là móp đầu, nặng thì hỏng máy, thậm chí cướp đi sinh mệnh của ai đó.
Hệ thống phanh ABS giúp lái xe kiểm soát tốt hướng chuyển động khi phanh. Với xe có ABS, lái xe có thể đánh lái tránh chướng ngại vật. Trong khi xe không có ABS (Non ABS), bánh lái bị bó nên không thể điều khiển được nên bị đâm. |
Tại vị trí tiếp xúc giữa lốp xe với mặt đường xuất hiện lực bám dọc và lực bám ngang. Lực bám dọc trùng với phương chuyển động của mỗi bánh xe, thường dọc theo xe. Lực bám dọc lớn giúp xe tăng tốc và phanh tốt hơn. Lực bám ngang vuông góc với lực bám dọc, giúp xe chuyển động ổn định, không bị lắc hay vẫy đuôi cá. Khi bánh xe bị trượt, lực bám dọc đạt đến giới hạn, còn lực bám ngang bằng không, người lái mất khả năng điều khiển hướng chuyển động của xe.
Hệ thống chống bó cứng khi phanh ra đời nhằm ngăn chặn bánh bị trượt gây mất lực bám ngang. Lái xe có thể điều hướng chuyển động xe, tránh chướng ngại vật khi phanh. Máy tính điều khiển giảm áp lực dầu tác động lên xi-lanh phanh, sau đó áp lực dầu lại tăng lại. Cơ chế này được thực hiện liên tiếp giúp duy trì lực bám dọc cao mà vẫn có lực bám ngang. Khi ABS kích hoạt, tốc độ bóp-nhả má phanh vào khoảng 15 lẫn mỗi giây. Về nguyên lý, ABS không làm tăng lực phanh nên quãng đường phanh không giảm.
Người lái dễ nhận thấy sự khác biệt sự làm việc của ABS khi xe đi ở tốc độ cao và phanh gấp. Bởi vậy, nhiều người quan niệm rằng hệ thống chống bó cứng phanh chỉ làm việc ở tốc độ cao, đây là một quan điểm sai lầm. ABS sẽ làm việc khi bánh xe bị bó cứng hoặc có nguy cơ bó cứng, cho dù xe ở tốc độ nào.
Bạn có thể kiểm chứng được vấn đề này khi lái xe ở tốc độ 50 - 60 km/h trên đường trơn trượt (đường ướt hoặc có băng tuyết) và phanh gấp, Những kiểu đường này có lực bám thấp, bánh xe dễ bị bó cứng. Đạp mạnh và giữ phanh, bạn sẽ cảm nhận được lực tác dụng ngược trở lại từ bàn đạp phanh lúc thì nặng khi lại nhẹ, điều đó chứng tỏ ABS đang làm việc.
Cho dù trang bị ABS hay không thì việc nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm khi tham gia giao thông mới là biện pháp tốt nhất để phòng tránh tai nạn.
Thế Hoàng