Tháng 12, Ross Petty, một tay đua drift chuyên nghiệp người Mỹ sang tham gia sự kiện World Drift Series China tại Quảng Châu. Tại một góc cua, chiếc xe độ có tên S15 trượt một vết dầu và đâm vào tường.
Chiếc xe của Ross Petty sau tai nạn. |
Cuối tuần đó, tay đua phải tham dự một sự kiện khác ở Thâm Quyến, vì thế anh cần sửa xe càng nhanh càng tốt. Nếu ở Mỹ hay Nhật, Ross có thể dễ dàng sửa lại những chỗ hỏng, vỡ trên xe, phần lớn là ở phía đầu xe. Nhưng đây là ở Trung Quốc.
Ross không biết phải bắt đầu từ đâu. May mắn là một số người dân địa phương cho biết, có một chợ linh kiện xe gần đó, với nhiều đồ cho xe Nhật được lấy từ Hong Kong. Sau khoảng 40 phút đi taxi, Ross và bạn anh ở giữa một giao lộ nhộn nhịp. Họ hoài nghi về việc sẽ tìm ra thứ mình muốn. Nhưng nếu theo chỉ dẫn từ trước, ở đó sẽ có những nhà cung cấp linh kiện với mọi thứ cần tìm.
Những vị khách ngoại quốc rảo bước vào một lối đi nhỏ và nhận ra vài dấu hiệu với những logo quen thuộc. Họ biết mình sắp tới đích. Ross có một loạt thứ cần sửa, trong đó có đèn pha và một chiếc khớp nối. Người bạn của Ross nghĩ rằng họ sẽ tìm thấy một cửa hàng linh kiện thông thường, giống với những gì anh vẫn gặp ở Los Angeles, Mỹ. Nhưng thực thế thì khác xa.
Khi đến nơi, những vị khách không biết miêu tả cảm giác của họ khi đó ra sao. Có lẽ là sự sửng sốt.
Cảnh tượng ở một trong những cửa hàng đầu tiên đã khiến các vị khách sửng sốt. |
Tại một trong những cửa hàng đầu tiên họ dừng chân, những đường ống dẫn nhiên liệu treo kín trần nhà, hàng trăm bộ bướm ga lủng lẳng trên đầu chủ cửa hàng. Cách phân bố và hoạt động ở đây cũng gây ấn tượng lớn với những vị khách. Mỗi một cửa hàng chỉ chuyên về một loại linh kiện.
Một thứ khác khiến các vị khách tò mò, là làm thế nào để lấy được đúng thứ cần tìm. Bởi có đến hàng trăm loại đường ống dẫn nhiên liệu treo trên trần nhà, hàng trăm loại đầu phun nhiên liệu bày trên sạp, hay hàng trăm chiếc cảm biến ôxy túm thành bó... Và không chỉ là kiểu tìm kim trong bãi cỏ, mà còn bởi sự hiện diện của mùi nhiên liệu hay thuốc lá.
Ngoài ra, người ở đây không bận tâm tới việc vị khách ngoại quốc đang giơ máy ảnh lên chụp. Trong khi ở Mỹ, người bạn của Ross cho biết anh không được phép làm điều tương tự khi tới bất cứ cửa hàng linh kiện hay phế liệu nào.
Trong khu chợ linh kiện, cửa hàng chuyên bán bộ xử lý trung tâm ECU có lẽ là nơi sạch sẽ nhất. Ở đây có đủ loại ECU, mọi mẫu mã và mọi thương hiệu. Còn có cả một cửa hàng bày một loạt phần đầu xe Audi, như lưới tản nhiệt và ba-đờ-sốc trước. Rồi cửa hàng chuyên về hệ thống treo, chế hòa khí, ống xả... Trong số đó có cửa hàng chuyên đèn pha mà Ross cần tìm.
Nhiều bộ đèn pha là loại đã được phục chế, lắp hoàn chỉnh từ những linh kiện đã qua sử dụng nhưng trông rất hoàn hảo và được bán chỉ bằng một phần nhỏ so với đồ chính hãng. Nhưng cũng có nhiều linh kiện khác là đồ chính hãng, đã được sửa chữa và sơn lại.
Phía trước cửa hàng, nếu không gian lưu thông không quá hẹp, người ta bày cả đồ ra một phần đường đi. Phần hè đường cũng có thể là nơi để đại tu động cơ hay gắn, dán nhãn mác, giá bán. Đôi chỗ là những chiếc xe bán đồ ăn nhanh với những món ăn đường phố khá hấp dẫn.
Trên đường đi, Ross và bạn anh còn bắt gặp một chiếc Porsche Cayenne, thứ mà thực ra chỉ còn phần thân bởi có lẽ trước đó nó từng bị cháy trụi. Nhưng với những gì mà hai vị khách ngoại quốc vừa chứng kiến, mẫu xe thể thao Đức rất có thể sẽ xuất hiện trên một chiếc bục trưng bày ở một nơi nào đó, hoàn toàn bóng bẩy và mới mẻ như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
>>Xem ảnh hành trình của Ross Petty ở chợ linh kiện
Mỹ Anh