"Chúng tôi không gặp khó mà là hết đường làm ăn. Nếu thực hiện đúng như thông tư thì cả một mảng xe mới nhập khẩu sẽ rơi vào tay liên doanh trong nước", giám đốc công ty chuyên kinh doanh xe Toyota, honda và Nissan ở Hà Nội than vãn.
Theo quy định mới có hiệu lực từ 26/6, các đơn vị nhập khẩu phải trình giấy ủy quyền là nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh khi làm thủ tục.
"Lý thuyết là vẫn có khả năng kinh doanh. Nhưng thực tế thì vô cùng khó. Toyota Mỹ, Toyota Đài Loan hay Toyota Oman sẽ không bao giờ cấp ủy quyền cho đối tác khi mà Toyota Việt Nam còn đang hoạt động", ông nói.
Toyota Oman, trung tâm phân phối ở Trung Đông, chỉ có thể bán trực tiếp cho thị trường nào mà Toyota toàn cầu chưa đặt chân tới.
Khách hàng Việt Nam sẽ khó mua Nissan Teana mới, nhập Đài Loan khi thông tư 20 có hiệu lực. Ảnh: Trọng Nghiệp. |
Các nhà nhập khẩu khác cũng thống nhất gần như không còn cơ hội để kinh doanh những thương hiệu đã đặt liên doanh ở Việt Nam. Nếu một nhà phân phối nào đó "dám" ký hợp đồng với đại diện Việt Nam thì các liên doanh đó hẳn không để điều đó xảy ra, bởi ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ.
Một vài người đưa ra ý tưởng thành lập đại lý ở nước ngoài, sau đó ký ủy quyền về Việt Nam. Nhưng điều này không khả thi, bởi rất có thể, đại lý đó ngay ngày hôm sau sẽ bị nhà sản xuất cắt hợp đồng.
Khi liên doanh vừa sản xuất vừa có quyền phân phối, xe khó mua hơn do khan hiếm và giá cao hơn. Hiện các đơn vị không chính hãng đang được hưởng giá khai báo thấp và người tiêu dùng được lợi. Chẳng hạn chiếc Honda Accord 3.5 nhập Mỹ bên ngoài bán khoảng 75.000 USD thì Honda Việt Nam phân phối với giá 81.000 USD, dù nhập từ Thái Lan.
Ngoài ra, công nghiệp ôtô còn rơi vào trạng thái tồi tệ. "Khi có trong tay cả hai, liên doanh sẽ lựa chọn hình thức nào ít chi phí, lãi cao. Bài học về Sony trong lĩnh vực điện tử là ví dụ điển hình", ông Đỗ Tiến Dũng, Tổng Giám đốc V-AutoClub phân tích.
Xu hướng phân phối đang lan khắp VAMA. Toyota đã phân phối Prado, Land Cruiser, dòng bán tải Hilux và mẫu xe hạng nhỏ Yaris. Honda chọn dòng sedan Accord. Vinastar nhập Triton về bán. Mercedes phân phối các dòng S-class, xe thể thao hay SUV cỡ lớn.
Các thành viên VAMA chưa có bình luận nào về quy định mới. "Nhưng giới kinh doanh Việt Nam rất linh hoạt. Chỉ vài tháng họ sẽ tìm ra biện pháp để tiếp tục hoạt động", cựu nhân viên quan hệ chính sách của một liên doanh nhận định.
Khu vực bị ảnh hưởng ít hơn là những thương hiệu như Hyundai, Volkswagen, Chrysler, Audi, BMW, Porsche bởi mới chỉ có nhà nhập khẩu chính thức. Phương pháp đối phó sẽ là một đơn vị đứng lên ký hợp đồng phân phối hoặc nhập khẩu chính hãng rồi bán lại cho các đơn vị nhỏ lẻ.
Nhưng việc thực hiện cũng không dễ dàng với Audi, BMW hay Porsche, do sự khắt khe về chính sách đại lý. Chỉ còn dòng bình dân như Hyundai.
Hãng xe châu Á khá thoáng trong quan điểm bán hàng. "Họ chỉ cần biết bán bao nhiêu ở Việt Nam mỗi năm, không quan tâm lắm đến chính hãng hay không. Nên nếu quy định bắt buộc, Hyundai hoàn toàn có thể chỉ định thêm nhà phân phối nữa, bên cạnh Hyundai Thành Công", một vị giám đốc chuyên kinh doanh xe Hàn Quốc tiết lộ.
Tuy nhiên, Hyundai Thành Công cho rằng: "Các nhà phân phối chính hãng phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hãng sản xuất về tiêu chuẩn, số lượng các đại lý, dịch vụ. Vì thế, mức đầu tư là rất lớn".
Nhà phân phối này ủng hộ chính sách mới và cho rằng sẽ thúc đẩy thị trường trở nên minh bạch, ngân sách không bị thất thu và người tiêu dùng được hưởng lợi từ cách dịch vụ chăm sóc sau bán hàng. Điều mà các đơn vị không chính hãng không làm được.
Các công ty kinh doanh xe sang chạy cũ không bị ảnh hưởng bởi thông tư 20. Nhưng không đảm bảo họ sẽ "sống" tốt hơn khi mà giá áp thuế có thể sẽ được điều chỉnh lại để thực thi "hạn chế nhập siêu" như ý kiến của Bộ Công thương.
Trọng Nghiệp