Đèn tín hiệu giao thông ra đời từ tháng 10/1868 và chỉ có đèn xanh và đèn đỏ. Đến 1920, đèn vàng mới xuất hiện. Và với gần như cả thế giới, các lái xe đều biết rằng đỏ có nghĩa dừng lại, xanh được phép đi, còn đèn vàng cho biết sắp thay đổi tín hiệu đèn. Ngay cả các bé tiểu học cũng hiểu rằng được phép di chuyển ở 2 tín hiệu đèn xanh và vàng, nhưng nếu vượt đèn đỏ , có nghĩa rất nguy hiểm và phạm luật.
vượt đèn vàng là hành vi vi phạm luật giao thông ở Trung Quốc, từ ngày 1/1. Ảnh: AFP. |
Nhưng người Trung Quốc đã viết lại luật. Từ ngày đầu tiên của năm 2013, sẽ là phạm luật nếu vượt đèn vàng. Nếu vượt đèn vàng hơn một lần, lái xe có thể bị tước bằng. Quy định mới rất nghiêm khắc này có mục đích giảm số lượng các vụ tai nạn giao thông tại đất nước đông dân nhất thế giới, cũng là nguyên nhân chính gây tử vong cho những người thuộc độ tuổi từ 15 đến 44, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Luật mới giống như một hành động để trét kín khe hở, khi mà nhiều người chỉ ra rằng, thật khó để quyết định dừng lại hay không khi mà đèn tín hiệu đang thay đổi. Tuy nhiên, nhiều người lại chỉ trích rằng luật mới sẽ buộc luồng giao thông phải dừng lại quá đà, bởi có thể có lái xe sợ cả đèn xanh, khi chẳng thể biết rằng nó có sắp chuyển thành đèn vàng hay không, nếu không có đồng hồ tính giờ bên cạnh. Nhưng dù vẫn còn nhiều tranh luận, Bộ An ninh Công cộng Trung Quốc vẫn quyết định đưa luật mới vào áp dụng.
Lịch sử đèn tín hiệu có từ tháng 10/1868, khi người ta đặt hệ thống đèn ngay bên ngoài tòa nhà quốc hội Anh ở London. Chúng được lắp để báo hiệu cho những đoàn tàu hỏa đi ngang qua đây. Trên cây cột kiểu hình khuỷu tay gắn hai chiếc đèn khí gas, một màu xanh và một màu đỏ để dùng cho ban đêm. Đèn đỏ có nghĩa là “dừng lại” còn đèn xanh là “chú ý”.
Tới 1920, hệ thống này mới có đủ 3 màu, vàng, xanh, đỏ và do sĩ quan cảnh sát Williams Potts, sống tại Detroit, sáng chế. Năm 1923, Gerrette Morgan nhận bằng phát minh thiết bị điều khiển tín hiệu giao thông, mặc dù ông không phải là người trực tiếp làm nên cuộc cách mạng đèn tín hiệu giao thông hiện đại.
Mỹ Anh