Anh Lê Minh Đức, nhà ở quận Phú Nhuận (TP HCM) kể anh mua chiếc xe Nissan Juke 2015 nhập khẩu nguyên chiếc vào đầu năm nay với giá hơn 1 tỷ đồng. Mới đây bạn anh cũng đặt mua chiếc xe tương tự nhưng nơi bán yêu cầu phải thêm hơn 50 triệu đồng với lý do ảnh hưởng của tỷ giá.
Nhiều người mua xe cho hay họ đang mua ôtô với giá cao sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hai lần nới biên độ (từ +/-1% lên +/-3%) và tăng tỷ giá thêm 1%.
Ông Phạm Vũ, đại diện kinh doanh đại lý chính thức Honda ôtô Việt Nam (quận 11, TP HCM) lý giải do tỷ giá tăng khiến chi phí nhập khẩu tăng, lợi nhuận giảm nên các đơn vị kinh doanh ôtô gặp nhiều khó khăn, buộc họ phải tăng giá bán ôtô.
“Đồng USD tăng giá, trong khi các hoạt động nhập khẩu từ vận chuyển, mua linh kiện lắp ráp…, đều dùng USD. Vì vậy các đơn vị nhập khẩu phải bỏ thêm nhiều tiền đồng VN hơn để mua USD nhập ôtô về”, ông Vũ phân tích.
Việc tăng tỷ giá vừa qua chắc chắn tác động tới giá xe ôtô nhập khẩu. |
Đại diện một showroom ôtô trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, TP HCM cho hay, một hãng xe vừa thông báo sắp tới sẽ điều chỉnh mức giá mới. Theo đó, giá những dòng xe cao cấp như BMW, Mercedes… tăng khá mạnh. Cụ thể, một chiếc xe giá 20.000 USD tăng thêm 600-1.000 USD; xe giá từ 100.000 USD trở lên, tăng thêm hơn 3.000 USD/xe.
“Ôtô nhập khẩu là mặt hàng chịu thuế cao, giá tính thuế nhập khẩu được căn cứ trên mức biến động tỷ giá. Vì thế không chỉ tăng chi phí ở giá nhập khẩu, mà doanh nghiệp cũng tốn kém ở phần thuế, kéo theo giá bán tăng cao”, chủ đại lý trên lý giải.
Người tiêu dùng phải gánh chịuMột số chuyên gia am hiểu ngành kinh doanh ôtô nhận định việc tăng tỷ giá vừa qua chắc chắn tác động tới giá xe nhập khẩu. Do vậy, việc tăng giá xe là khó tránh khỏi và người tiêu dùng phải gánh chịu. Tuy vậy vẫn có doanh nghiệp ôtô chưa tăng giá xe sau khi ngân hàng điều chỉnh tỷ giá mà đang cân nhắc, “nhìn nhau” xem tăng ở mức nào là hợp lý vì sợ mất khách hàng.
Đại diện truyền thông Công ty Cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco), nói trong hai tháng qua khi tỷ giá biến động, công ty phải gồng mình chịu thêm chi phí bị đội lên chứ chưa tăng giá bán. “Dự kiến thời gian tới chúng tôi cũng sẽ giữ nguyên giá bán các dòng sản phẩm, chấp nhận giảm lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng để kích cầu thị trường tiêu thụ”, đại diện Thaco nói.
Ông Vũ Trường Giang, Trưởng bộ phận phát triển và kinh doanh hãng xe Infinity tại Việt Nam, cũng cho biết dự kiến từ nay đến cuối năm hãng vẫn giữ nguyên các mức giá đối với các dòng xe. “Thời điểm cuối năm nhu cầu mua sắm nhà cửa, ôtô sẽ nhiều hơn nên chúng tôi không muốn tăng giá bán để tăng sức mua của người tiêu dùng”.
Song một số doanh nghiệp trong ngành này cho rằng với việc tỷ giá biến động như thời gian qua thì không chỉ các nhà nhập khẩu tăng giá bán mà các liên doanh lắp ráp ôtô trong nước sớm hay muộn cũng phải điều chỉnh theo vì linh phụ kiện lắp ráp ôtô trong nước đa phần là nhập khẩu. Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cũng nhận định có thể cuối tháng 9, đầu tháng 10 thêm nhiều hãng xe sẽ điều chỉnh tăng giá bán.
Ôtô Trung Quốc tràn vào nhiều hơnTheo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc là “quán quân” xuất khẩu ôtô nguyên chiếc vào Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay với hơn 18.000 chiếc, tăng đến 204%. Trong đó, ôtô tải, đầu kéo chiếm nhiều nhất trong tổng số lượng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc.
Với động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian qua, ôtô tải của nước này với giá đã rẻ hơn các nước khác lại có thêm cơ hội tiếp tục tràn vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Theo khảo sát của chúng tôi, xe tải Trung Quốc nhập về đến Việt Nam thường rẻ hơn xe do các công ty sản xuất lắp ráp Việt Nam 5%-15%.
“So với xe tải có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản thì xe Trung Quốc rẻ hơn nhiều. Do vậy, cuộc cạnh tranh để giành thị phần trên thị trường xe sẽ ngày càng gay cấn”, một người kinh doanh ôtô nói.
Xe bán tại Việt Nam đắt gấp đôi Mỹ, Anh Tháng 6/2015, anh Nguyễn Đắc Khúc (TP HCM) mua ôtô Mazda 3, phiên bản Sedan, dung tích 1,5 l để đi làm. Số tiền anh Khúc phải bỏ ra mua chiếc xe tại thời điểm đó là 729 triệu đồng, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Xe anh Khúc mua là xe nhập linh kiện 100%, lắp ráp trong nước và khoản thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn được tính vào linh kiện. Sau khi mua xe, anh Khúc còn phải đóng các loại thuế, phí khác như thuế trước bạ 10%, phí biển số, phí đường bộ, phí bảo hiểm bắt buộc, phí bảo hiểm vật chất (tự nguyện)… Sau khi được khuyến mãi 10 triệu đồng, tổng số tiền anh Khúc phải bỏ ra mua xe là 810 triệu đồng. Anh Khúc nói: “Tôi nghĩ những loại thuế, phí này làm tăng giá xe hơi ở Việt Nam so với thế giới rất nhiều. Nay với việc biến động tỷ giá thì giá ôtô tại Việt Nam càng cao hơn, đồng nghĩa giấc mơ được mua xe giá rẻ của nhiều người xa dần”. Cụ thể, đối với dòng xe Mazda 3, giá bán tại Anh chỉ vào khoảng 17.000 bảng Anh, tương đương hơn 580 triệu đồng. Nhưng thường các đại lý bán xe có khuyến mãi cho khách hàng. Sau khi được khuyến mãi, giá chiếc xe này chỉ còn 13.937 bảng Anh, tương đương hơn 480 triệu đồng. Giá nói trên đã bao gồm các loại thuế, phí mà người mua phải chịu. Anh Khúc cho biết thêm, chiếc xe anh mua nếu quy đổi ra sẽ là gần 40.000 USD. Số tiền này, nếu ở Canada hay Mỹ sẽ mua được chiếc Santafe 2015 của Huyndai mà giá ở Việt Nam là hơn 1,6 tỷ đồng. Nghĩa là giá xe ở Việt Nam cao hơn gấp đôi so với Mỹ. Bỏ ra 3,8 tỷ USD nhập khẩu ôtô
Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện tính từ đầu năm 2015 đến hết tháng 8 đạt 3,8 tỷ USD (riêng ôtô nguyên chiếc đạt 1,9 tỷ USD), tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng ôtô nhập vào Việt Nam trong tám tháng qua cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014, với 74.000 chiếc - con số cao nhất trong vòng năm năm qua. |