Các hãng xe Nhật như Toyota và Honda mới nhận gáo nước lạnh hồi tháng 6 khi J.D. Power công bố kết quả mức độ hài lòng chất lượng xe của khách hàng, theo đó các thương hiệu Hàn như Kia, Hyundai ngày càng đi lên, vượt mặt người Nhật vốn là biểu tượng về chất lượng, NBCnews cho biết.
Đó chưa phải là tất cả, cách đây không lâu các hãng xe hàn Quốc tụt lại phía sau trong bảng xếp hạng chất lượng, tập trung bán xe giá rẻ phù hợp với mức thu nhập của hầu hết tầng lớp khách hàng bình dân. Nhưng hiện tại, xe Hàn không chỉ đẩy mạnh chất lượng và độ tin cậy, mà đồng thời còn chuyển mình lên phân khúc thị trường cao cấp hơn. Kia K900 và Hyundai Equus là những minh chứng sống, cạnh tranh trực tiếp với Lexus LS hay Mercedes S-class.
Hyundai Genesis sedan. |
Nghiên cứu của J.D. Power chỉ là bản cuối cùng trong hàng loạt những nghiên cứu chỉ ra sức phát triển nhanh trong chất lượng xe của Hyundai, mà Dave Zuchowski, CEO của Hyundai Mỹ tin tưởng đã nâng tầm thương hiệu trong mắt khách hàng. Đó cũng là bước chuyển trong chiến lược của cả Hyundai và Kia khi người Hàn nhận ra "nếu không phải là chất lượng, thì bạn không thể cạnh tranh trên thị trường".
Hyundai báo hiệu sự thay đổi từ một thập kỷ trước, khi hãng giới thiệu chương trình "Bảo hành tốt nhất nước Mỹ". Zuchowski cho biết nó mang nhiều ý nghĩa hơn là một biện pháp marketing thông thường. Hãng bảo hành xe 10 năm, gấp đôi các đối thủ, "chúng tôi sẽ phá sản, nếu không thay đổi chất lượng".
Nhà sản xuất xe hàn quốc hướng tới khắc phục vấn đề kỹ thuật truyền thống như lỗi hộp số, điện và tiếng ồn. Nhưng đồng thời cũng tập trung vào sáng tạo công nghệ mới, như định vị, kiểm soát giọng nói giúp tài xế dễ sử dụng hơn. Đó là bước đi thông minh. Theo nghiên cứu của J.D. Power, sử dụng công nghệ mới đang trở thành than phiền lớn nhất hiện nay với khách hàng mua xe mới.
"Thành tựu các thương hiệu Hàn đạt được là rất ấn tượng", David Sullivan, chuyên gia phân tích ở AutoPacific cho biết. Đó cũng là những điều khách hàng tiềm năng thường trích dẫn khi được hỏi tại sao họ lại chọn Hyundai hoặc Kia. Điều đó có nghĩa, vẫn còn rất nhiều người hoài nghi, Sullivan nói thêm, và nhắc nhở "cần rất nhiều thời gian để thay đổi tư duy của khách hàng".
Chất lượng Hàn Quốc đẩy mạnh cùng thời gian khi Hyundai và Kia quyết định giải quyết một số vấn đề khác. Khi anh lớn Hyundai đến Mỹ lần đầu vào tháng 2/1985, tập trung vào sản phẩm mà trong ngành gọi là "giá rẻ và vui vẻ". Nhưng những năm gần đây, hãng di chuyển mạnh lên các phân khúc trên.
Hyundai thêm mẫu sedan cỡ trung Sonata và sau đó bước chân vào thị trường xe sang ở Mỹ với thế hệ đầu tiên của Genesis năm 2008. Thành công của Genesis vượt quá mong đợi của hãng khi chân ướt chân ráo nhưng thậm chí được giải "Xe của năm ở Bắc Mỹ 2009", do 50 nhà báo từ Mỹ và Canada bình chọn. Hyundai tiếp tục phân khúc xe sang với chiếc Equus lớn hơn, xa hoa hơn, trong khi Kia góp mặt với K900, đương đầu với các ông lớn sừng sỏ như Mercedes S-class và BMW serie 7.
Một bước quan trọng khác là tập trung vào thiết kế, thoát khỏi kiểu tạo hình me-too (tôi cũng thế) thường bị lẫn trong đám đông.
Trên thị trường nhân sự, Kia lôi kéo thành công giám đốc thiết kế Audi Peter Schreyer về làm việc năm 2006. Liên tiếp được vinh danh là một trong những nhà thiết kế ảnh hưởng nhất thế giới, năm ngoái Schreyer còn nhận giải thưởng Lifetime Achievement Award tại triển lãm Detroit. Hiện nay ông là đồng chủ tịch và giám đốc thiết kế cho cả Kia và Hyundai.
Kia K900. |
Schreyer cho biết, xe Hàn Quốc cần được nhận ra ngay từ cái nhìn đầu tiên. Những gì ông làm đầu tiên cho Kia Optima và Hyundai Sonata nổi bật trong phân khúc sedan hạng trung. Thậm chí trước áp lực quá lớn từ xe Hàn, Toyota phải thay đổi thiết kế Camry 2015 giữa dòng đời, điều hãng xe Nhật chưa từng làm trước đây.
Nhưng kỳ lạ khi Hyundai dường như hơi bảo thủ khi không thay đổi nhiều cho chiếc Sonata năm ngoái. Zuchowski hứa hãng xe Hàn sẽ thay đổi mạnh trong lần nâng cấp năm sau.
Mặc dù có những sai lầm, hoặc bước đi chưa thực sự sáng suốt, nhưng các hãng xe Hàn trèo lên cao trong bảng xếp hạng doanh số toàn cầu. Cặp anh em Hàn trở thành hãng xe lớn thứ 5 thế giới, và vượt qua cả GM và Renault-Nissan để đứng thứ 3 trong tháng 4, theo số liệu từ Focus2Move.
Năng lực sản xuất dường như đang giới hạn sức phát triển của Hyundai-Kia trong hai năm qua. Kia mới thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 2 Bắc Mỹ ở Mexico. Hyundai cũng sắp có thông tin cho nhà máy thứ 2 ở Mỹ.
Hai hãng xe có thể sử dụng thêm dây chuyền sản xuất. Hyundai hy vọng tăng gấp đôi doanh số Tucson khi ra mắt phiên bản mới 2016, đồng thời ra mắt thêm những mẫu SUV mới, cũng như sản xuất chiếc bán tải Santa Cruz concept.
"Đây là phân khúc tiềm năng nên chúng tôi muốn có thị phần trong đó", Zuchowski cho biết, "xác suất lớn là chúng tôi sẽ sản xuất Santa Cruz sớm".
Trong khi đó, hai hãng đang cung cấp nhiều tùy chọn hơn trong thị trường xe sang, mặc dù vị CEO cho biết lượng xe cao cấp này sẽ chiếm không quá 10% tổng doanh số của hai hãng xe Hàn.
Những người trong ngành nhận định sự phát triển của xe Hàn tới vị trí dẫn đầu thị trường toàn cầu không phải điều lạ. Nó tạo tiếng vang cho các hãng công nghệ khổng lồ như Samsung, vốn chịu áp lực từ các ông lớn Nhật như Sony và Panasonic. Chiến thắng người Nhật là động lực cho các hãng xe Hàn, Joe Phillippi, nhà phân tích cũ của Wall Street cho biết.
Nhưng trong cuộc đua thoát khỏi sự kìm cặp của xe Nhật, những hãng xe Hàn cũng nhận ra rằng, họ cần học hỏi từ người Nhật để vừa tạo ra nhiều sản phẩm, nhưng đồng thời chất lượng gia tăng. Bởi lẽ trong thời buổi hiện nay, chất lượng là mức giá để gia nhập thị trường.
Đức Huy