Cứ mỗi buổi trưa hay cuối giờ chiều gần tan sở, trong khi mọi người nghỉ ngơi, tán dóc, tôi lại thấy Hùng vùi mài “nghiên cứu” xe cũ. Có nhiều lúc, đang say xưa tìm hiểu bỗng anh sôi nổi hẳn lên, quay sang khoe chúng tôi rằng có người bán xe này xe kia rất rẻ, chỉ hơn chiếc xe máy SH một chút thôi, rồi say mê “giảng thuyết” cho chúng tôi về độ bền tốt của dòng xe cũ ấy như một chuyên gia thực thụ.
Thật ra, cả đời anh chỉ mới ngồi sau vô-lăng của mấy chiếc xe tập lái ọp ẹp trong trường đào tạo lái xe. Anh chưa bao giờ sở hữu chiếc ôtô nào cả. Anh đang dành dụm tiền và tìm cách tăng thu nhập để tậu một con xe cũ với giá “hơn chiếc SH một chút”. Ánh mắt mệt mỏi của anh lấp lánh ước mơ bình dị ấy.
Người ta vẫn đọc được tin tức về những siêu xe đắt tiền, bằng gia sản cả đời của hàng chục người lao động chân chất, nghèo khó như chúng tôi. Mọi người thường nói đùa với nhau rằng, bán cả nhà cả cửa đi chắc chỉ mua được cái … bánh xe.
Anh Hùng là ví dụ điển hình về những người không mua nổi cái bánh xe đó, nên chỉ dám ấp ủ khao khát con xe “hơn chiếc SH một chút”. Tuy nhiên, ở Việt Nam cứ nghĩ đến xe hơi thì người ta nghĩ đến người giàu thậm chí rất giàu, và ăn xài xa xỉ trong một xã hội tất tả lấm lem.
Anh Hùng muốn mua ô tô không phải để chạy cho sang với thiên hạ. Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh đèo nhau đi làm thì bị va quệt xe máy. Vụ va quệt không nghiêm trọng nhưng chị vợ sảy thai. Chị ấy buồn bã đến sinh bệnh. Hùng cứ ân hận, dày vò mãi không thôi. An ủi, động viên, anh bảo chị là sau này có cháu khác, đi đâu cứ cẩn thận gọi taxi đắt một tý nhưng an toàn, chứ anh nhất định không bao giờ đưa vợ đang có bầu trên xe máy nữa. Ước mơ mua xe ôtô cũ của anh bắt đầu đến khi anh thổ lộ câu chuyện này với anh em trong phòng. Một anh lớn tuổi bảo Hùng:
“Cứ mua cho anh một con xe cũ, còn không thì mua một con xe van bán tải, giá hơn chiếc SH một tí chứ mấy mà bảo đảm sức khỏe và an toàn. Chi phí một tháng nuôi “vợ hai” cứ làm tròn là 3-4 triệu thì hai vợ chồng mày cố gắng làm thêm cũng bõ công. Mà này, có xe đưa ông bà cụ đi khám bệnh, thăm cháu cho các cụ khuây khỏa chứ để các cụ già cả ngồi xe máy đi nắng mưa tội các cụ lắm”.
Từ buổi đó, Hùng ngày nào cũng lên mạng tìm hiểu về xe cũ. Rồi thì anh đi học lái xe. Ước mơ của anh có vẻ ngày một trở thành hiện thực. Nhà anh ở xa cơ quan, hàng ngày đi làm trông Hùng vất vả, cũng bịt khẩu trang và đeo kính kín mít như chị em. Anh bảo nhà ở xa, đường lại bụi mù mịt vì xe tải, xe khách, đeo kính và khẩu trang kín mít để giảm bệnh tật. Đi trên đường mà lo nơm nớp, sợ con đường bẩn đầy cát với đất đá, sợ khi có xe tải, xe bồn tới gần, lỡ mà trượt ngã hay quệt chắc chin phần rủi, chỉ còn một phần may. Cái phận “thịt bọc sắt” của người lao động chúng tôi là như thế đấy.
Nghe báo đài nói, các lãnh đạo sắp có thêm mấy loại phí mới đánh vào ôtô và cả xe máy để giảm ùn tác và đảm bảo công bằng xã hội. Quá hay! Chắc giao thông sẽ khá lên. Nếu thế thì mừng quá! Mừng lắm! Phận người “thịt bọc sắt” lao động chúng tôi không bị kẹt xe nữa, không phải hít khói hít bụi nữa, thì dù đi dưới nắng chang chang với mồ hôi ròng ròng trong nón bảo hiểm hầm hập, hay phải mua xăng pha xăng trộn đổ vào xe máy … cũng được an ủi đôi phần.
Chỉ e rằng thu thì các bác cứ thu, mà tình trạng giao thông khủng khiếp thế này thì vẫn chẳng khá lên. Đến là khâm phục các lãnh đạo của dân, sao mà tài tình thế có công sáng kiến ra nhiều loại phí, loại thuế. Trong khi lợi ích của việc thu phí ấy là cái gì không thấy ai nói tới.
Phí chồng phí! Thuế chồng thuế! Những người lao động như chúng tôi giờ chỉ còn dám nhìn những chiếc ôtô của các đại gia, của các quan chức.
Mấy ngày gần đây, anh Hùng bắt đầu thưa dần việc “nghiên cứu” mua bán xe cũ. Con người khắc khổ trầm lặng đó lại càng thêm lặng im. Tôi hỏi đùa anh, “sao dạo này không thấy bác nghiên cứu mua xe nữa nhỉ?” Anh nhếch mép chua chát không nói.
Chính sách giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo công bằng xã hội của các cấp lãnh đạo đã phát huy tác dụng rồi đầy! Nhưng nó cũng đã phá tan giấc mơ bình dị của những người như anh Hùng.
Ôi một giấc mơ! Đơn giản và sao quá xa vời!
Việt Tiên