Dương Huy Khải: Người đưa ẩm thực Việt Nam đến với thế giới
Thầy Dương Huy Khải, xuất hiện trong nhiều gameshow nấu ăn trên truyền hình trong vai trò giám khảo, nhưng ít ai biết rằng thầy là người Việt Nam đầu tiên, và là người châu Á thứ 2, được gắn sao trên Đại lộ danh vọng nghề bếp tại Califonia cùng với Martin Yan.
Nói về cái duyên với ẩm thực, thầy Khải sinh ra tại Nha Trang, sau đó gia đình ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã có cơ hội được chu du khắp Việt Nam. Sau khi gia đình ông chuyển tới Mỹ khi ông 14 tuổi, cũng như nhiều gia đình, bố mẹ muốn ông theo học ngành kĩ sư, tuy nhiên sau khi học được hai năm rưỡi, ông quyết định thôi học, và theo đuổi niềm đam mê ẩm thực của mình tại trường đại học Le Cordon Bleu Paris. Tại ngôi trường này, ông trở thành học viên Mỹ đầu tiên giành ngôi thủ khoa trong suốt 13 năm.
Dương Huy Khải và ngôi sao của mình
Để đưa nền ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè thế giới, sau khi ông tốt nghiệp và là chủ nhà hàng Ana Mandara của giới thượng lưu ở Sanfrancisco. Mỗi năm ông đềutrở lại Việt Nam hai lần, để tìm hiểu về các món ăn Việt . Kết hợp với các kĩ thuật ẩm thực Pháp để tạo ra phong cách riêng của mình. Hiện nay, đầu bếp Khải đã khôi phục được hơn 20 món ăn bị thất truyền tại Việt Nam.
Điểm đặc biệt nữa trong cách sáng tạo các món ăn của thầy Huy Khải, đó là những món ăn trong nhà hàng của ông, đều xuất phát từ những nghiên cứu ẩm thực miền Nam Trung Bộ, ông phục chế lại những món ăn đã thất truyền và thay đổi nó để hợp với khẩu vị thực khách. Món ăn “mắt thủy thần”- hay “ mắt cá ngừ chiên dầu” được coi là một trong những món ăn được ưa chuộng của đầu bếp Khải, với nguyên liệu chính là mắt cá ngừ- đây cũng là một đặc sản tại quê hương Nha Trang của ông.
Đặt biệt, trong cuộc thi ẩm thực tại Bắc Kinh năm 2012, món “súp yến” – từ yến sào Khánh Hòa, đã mang về cho ông chiếc cúp vàng.
Hiện nay ông đang giữ chức chủ tịch Hiệp hội đầu bếp Á Đông, là người sáng lập ra “Hội đầu bếp không biên giới”, ông gây quỹ và trao học bổng cho những phụ nữ Việt có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời ông cũng là người giảng dạy, hướng dẫn cho những học viên mà ông thu nhận.
Ngoài đời,người đầu bếp Việt trầm mặc ít nói, luôn giữ cho mình nhiệt huyết đem ẩm thực quê hương cho bạn bè thế giới .
Theo ông chia sẻ, bản thân ông cũng muốn truyền đạt lại kinh nghiệm mà mình có được cho thế hệ trẻ, vì thế ông lại càng phải học hỏi nhiều hơn.
Nhà hàng Ana Mandara của ông và tài tử Don Johnson nổi tiếng lập ra, tại San Francisco là một Việt Nam thu nhỏ, ông đã mang đồ cổ và vật liệu từ Việt Nam sang Mỹ để giới thiệu một văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Tại đây, khách quen của nhà hàng phần lớn là nghệ sĩ Hollywood nổi tiếng bậc nhất.
Nguyễn Thị Diệu Thảo: Chuyên gia ẩm thực nổi tiếng
Có lẽ cái tên Diệu Thảo không còn quá xa lạ với khán giả màn ảnh nhỏ Việt Nam qua các chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình. Cô Diệu Thảo không chỉ là một đầu bếp, mà còn là một chuyên gia, nhà nghiên cứu giáo dục và ẩm thực nổi tiếng.
Cô Diệu Thảo chuyên gia ẩm thực nổi tiếng
Sinh năm 1961 tại Sài Gòn, do truyền thống gia đình nên từ nhỏ, cô may mắn được giáo dục trong cái nôi của ẩm thực. Có lẽ cũng vì vậy, mà con đường đến với ẩm thực của cô Diệu Thảo cũng êm đẹp hơn các đầu bếp khác. Cô Diệu Thảo cho rằng: “Nếu chỉ có tố chất khéo léo và sự chú tâm học hỏi, chưa hẳn đã trở thành một đầu bếp giỏi. Trên hết, sự sáng tạo và suy nghĩ độc đáo mới giúp người nấu bếp khẳng định tay nghề và đẳng cấp của mình”.
Nhiệt huyết của người đầu bếp
Với bề dày kinh nghiệm trong nghiên cứu ẩm thực, cô đã cho ra đời rất nhiều công trình sách nổi tiếng khác nhau. Ngoài ra, cô còn có những đóng góp tích cực cho Viện ẩm thực Việt Nam, về mô hình cho Bếp Việt và hành trình tìm ra chuẩn món Phở, cô cũng là chuyên gia tư vấn cho nhiều nhà hàng nổi tiếng.
Bén duyên với chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình hơn chục năm nay, có lẽ những bài nấu ăn của cô Diệu Thảo đã trở thành một công thức quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình Việt.
Theo cô Diệu Thảo: “Nấu ăn chỉ là nghề tay trái của mình, nhưng nhờ nghề này, mà cô có cơ hội được học hỏi, tiếp xúc với nền ẩm thực trên thế giới”.
Trong suốt thời gian làm việc và nghiên cứu, cô Diệu Thảo đã đi qua trên dưới 15 quốc gia để đem ẩm thực Việt Nam đến với thế giới. Hiện tại, cô đang là Tiến sĩ giáo dục học, Phó trưởng khoa Sư phạm kỹ thuật trường Đại Học Sài Gòn.
Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân: Nghệ nhân ẩm thực dân gian
Là người con của đất Hà Thành, năm nay đã ngoài 50 tuổi, gương mặt cô đã quen thuộc trên các chương trình truyền hình dạy nấu ăn. Trước khi bén duyên với nghiệp bếp núc, người phụ nữ này từng làm giáo viên dạy Văn cho một trường cấp 3 trong Sài Gòn. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, những năm 1990, cô nghỉ dạy, kiếm tiền đưa con trai sang Úc chữa bệnh tim.
Và trở thành giáo viên dạy nấu ăn ở Trung tâm dạy nghề thành phố, cơ hội đến với cô khi Đài truyền hình thành phố mở chương trình khéo tay hay làm và mời cô về cộng tác.
Nếu coi chương trình khéo tay hay làm là cột mốc của mình, thì cô Vân đã có hơn 20 năm công tác với hơn 1.000 món ăn cho các chương trình nấu ăn. Mặc dù cô chia sẻ cho mọi người nhiều bí kíp như vậy, nhưng cá nhân cô Vân tự nhận thấy “Bản thân mình ăn uống rất đơn giản, các món ăn chế biến càng đơn giản, cô lại càng thích”. Ngoài đời, cô là một người ăn chay trường. Cô có khả năng cảm nhận được vị của món ăn mà không cần nếm.
Cô Cẩm Vân trong chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình
Cô là đầu bếp nữ nổi tiếng từng được mời sang Mỹ, Australia, Trung Quốc… để giảng dạy các món ăn Việt Nam, đã viết 38 quyển sách từ hướng dẫn nấu ăn đến sách du lịch các nước.
Khi được hỏi về món ăn nấu dở nhất của mình, cô hóm hỉnh chia sẻ “Đó chính là món canh chua cá lóc”. Lý do là bởi “cô không thích ăn cá, và cũng không thích vị chua của me”.
Bên cạnh đó, cô còn mở nhà hàng mang tên “Dzoãn”, là thương hiệu của riêng mình. Với bề dày kinh nghiệm, cô Vân mở những khóa dạy nấu ăn, với mục đích truyền dạy kinh nghiệm đến các học viên. Hình ảnh về người phụ nữ hiền hậu, đảm đang, vượt qua số phận có lẽ sẽ là hình ảnh đẹp nhất khi nhớ về nữ đầu bếp nổi tiếng này.
Mặc dù xuất thân từ những nền tảng khác nhau, thế nhưng những người đầu bếp này đều đóng góp một phần không nhỏ cho sự phát triển những món ăn Việt, quảng bá những món ăn dân giã đến với bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, họ đã đào tạo một thế hệ trẻ Việt Nam, những người yêu ẩm thực, có cơ hội phát triển và trở thành những người đầu bếp của nhiều nhà hàng nổi tiếng.