Người bị dạ dày không nên ăn hồng
Hồng ngâm đang vào mùa, rất nhiều người mong chờ đúng đến mùa Thu để thưởng thức trái có vị ngọt, dòn dòn này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, không phải ai cũng ăn được.
PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, những người sau không nên ăn nhiều quả hồng ngâm.
Người bị dạ dày
Quả hồng có vị trát. Nếu ăn nhiều sẽ kết tụ dưới tác dụng của axit dạ dày. Nếu những khối kết tụ này không xuống được ruột non thông qua môn vị, sẽ lưu lại trong dạ dày khiến bệnh càng trầm trọng hơn.
Người bị tắc ruột
Người có tiền sử bị tắc ruột nếu ăn nhiều hồng quá có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.
Ăn lúc đói
Do quả hồng chứa khá nhiều tanin và pectin, nếu ăn lúc đói sẽ tạo thành các khối bã thức ăn, nguy hiểm cho dạ dày và đường ruột.
Đặc biệt lưu ý, về thời điểm ăn, nếu ăn khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, hoa quả có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa dễ bị kết tủa làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Cộng thêm thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ là một trong những nguyên nhân mang tính nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
Người bị tiểu đường
Quả hồng có vị ngọt, chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều ăn rất dễ bị hấp thụ, khiến đường huyết tăng lên. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người kém kiểm soát đường huyết là vô cùng có hại.
Người bị tiêu chảy
Quả hồng có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo vì vậy những người bị tiêu chảy không được ăn.
Người bị cảm lạnh
Quả hồng có tính hàn, không phù hợp với người bị cảm lạnh và suy nhược cơ thể.
Người thiếu máu không nên ăn hồng
Cũng cần chú ý khi ăn hồng vì hàm lượng tanin cao có thể gây ức chế quá trình hấp thu sắt của cơ thể.
Người cao tuổi
Người già có đường tiêu hóa kém, thường xuyên bị táo bón nên người cao tuổi ăn dễ bị tắc ruột do khối bã kết tủa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm hướng dẫn cách ăn quả hồng ngon và cách bảo quản hồng.
Theo đó, nếu muốn hồng ăn mềm thì có thể giấm, nếu muốn ăn giòn thì phải ngâm hồng trong dung dịch nước vôi, nước phèn chua hay nước muối loãng cho đến không còn vị chát khi ăn. Thời gian ngâm từ 3 đến 5 ngày hoặc lâu hơn tuỳ theo giống. Ngoài ra, còn có thể làm mất vị chát bằng cách xử lý hồng với cacbon dioxit.
Để bảo quản hồng ngâm cần chọn lựa quả có vỏ đỏ hoặc vàng đều, không xây xước; thịt quả cứng và không có hiện tượng dập.
Với giống hồng không trát nếu bảo quản ở nhiệt độ 5 – 10°C sẽ xảy ra hiện tượng tổn thương lạnh - hiện tượng tổn thương lạnh là hiện tượng thịt quả bị mềm nhũn và chảy nước, làm hỏng quả hồng.
*Bài có sự thay đổi tít nhưng giữ nguyên ý nghĩa