Một món lẩu của nhà hàng tại Nam Ninh. |
Tại một quán phở ở Bằng Tường, một số thực khách cảm thấy thú vị và lạ kỳ với bát phở được bê ra. Trước khi dùng đựng phở, chiếc bát được bọc lại bằng chiếc túi xốp trắng, một mặt lót sát và phủ kín chiếc tô, để sau khi ăn xong, chỉ cần lật miệng chiếc túi, phần thức ăn thừa sẽ nằm gọn bên trong túi, không làm bẩn tô. Sợi phở không khác với sợi phở ở Việt Nam, nhưng cách nấu thì không giống cả phở Nam lẫn phở Bắc. Không có tái, nạm gàu gân, và chưa thấy nơi nào ăn kèm với rau. Thông thường, phần thịt cho lên mặt bát phở luôn là thịt xá xíu xắt lát, có nơi còn cho thêm một lớp trứng chiên, ít đậu phộng rang nguyên hạt, nấm đông cô và nhiều thứ khác... Giá một tô phở bình dân 2-5 nhân dân tệ (một nhân dân tệ tương đương 1.800 VND). Nhiều người trong khi ăn lại kêu thêm một đĩa thịt gà luộc để ăn kèm. Và dĩ nhiên, từ thịt gà đến phở đều được ăn chung với nước tương. Thà là hủ tiếu ăn với nước tương chứ phở mà ăn với nước tương quả là khó nuốt.
Từ cơm Tàu...
Trên tàu, và cả những ga mà tàu dừng lại, đều có bán cơm từ cơm hộp, cơm bó trong ống tre lớn bằng cổ tay đến cơm đựng trong những chiếc nồi đất nung, tô bằng sành... đa số đều được nấu thật nhão. Thức ăn luôn bằng hoặc nhiều hơn cơm, và nhiều món từ xào, kho, đến dưa mắm... trộn chung với nhau nên người Việt thật khó làm quen với kiểu ăn cơm như thế này.
Cơm dường như không phải là phần thực phẩm chính trong bữa ăn mà chỉ là một món được dọn ra gần cuối, sau hàng chục, thậm chí có khi vài chục món ăn trên chiếc bàn có mâm xoay, loại bàn mà hầu như ở nhà hàng nào tại Trung Quốc cũng đều sử dụng.
... đến lẩu "la cheo"
Tháng 11, trời Bằng Tường buổi tối lạnh khoảng 10 độ. Trời lạnh mà ăn lẩu dê quả là hết ý, lẩu được bán và tính tiền theo lượng thịt dê mà khách yêu cầu. Giá mỗi cân thịt dê (khoảng nửa ký) khoảng 30 nhân dân, thịt dê được tẩm uớp và xào sẵn, thịt ngọt và thơm mùi thuốc bắc. Lẩu rất ít nước, thỉnh thoảng khi cạn người ta lại đổ thêm vào một ít bia. Các món ăn kèm lẩu gồm măng khô, khoai môn, tàu hũ sống, rau cải các loại để sẵn trên một chiếc giá nhiều tầng bằng nhựa đặt cạnh bàn. Khác với Việt Nam, người Trung Quốc chỉ dùng những thứ này vào cuối bữa, và thường ăn riêng với một nồi nước dùng khác.
Món lẩu đầu cá ở phố ăn đêm tại thủ phủ Nam Ninh khá đặc biệt, với lớp ớt trái khô nổi dày lên mặt nước lẩu. Không chỉ với món lẩu đầu cá, nhiều món lẩu khác, kể cả một số món xào khi đã nấu chung với ớt thì ớt ra ớt, cay ra cay. Có cả món ớt khô nguyên trái xào chung với thịt gà như ta xào với nấm, trái ớt vừa giòn, vừa khô, vừa cay đến bỏng lưỡi. Ở Nam Ninh, còn có một khu phố bán cháo khuya, chừng vài chục quán để bảng “Quảng Đông cháo vàng", như là một thương hiệu nổi tiếng "Thịt cầy Tú Béo” ở đê Yên Phụ làng Nhật Tân, Hà Nội. Phố ăn mở cửa từ 4 đến 5h chiều và bán cho tới tận sáng. Các loại từ rùa, rắn, cua, ếch, cá, gà, bồ câu... đều được nhốt sống, khách ăn chỉ con nào thì cân và chế biến con ấy ngay tại chỗ. Một bát cháo với một con bồ câu giá 25 nhân dân tệ.