Bánh cáy là một đặc sản nổi tiếng của người dân Thái Bình. Ảnh: D.L. |
Tên gọi của bánh bắt nguồn từ chính hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy). Ngày xưa, bánh cáy được người nông dân làm ra để tiến vua nhà Nguyễn và được vua khen ngợi. Bí quyết làm bánh cáy của người làng Nguyễn thuộc vào công đoạn nhào trộn nguyên liệu và chiên, ép bánh. Làm sao chiếc bánh không quá ngọt, không quá nhạt. Vừa chín, dẻo, không khô cứng. Hương vị bánh hơi cay nồng.
Làm bánh cáy phải trải qua nhiều công đoạn. Nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô. Thóc tẻ rang lên trong nồi gang, cho xòe cánh thành một thứ gọi là hạt “nẻ”. Mỡ phần chọn loại ngon, cơm dừa bào sợi, cho ướp đường nửa tháng. Để làm ra những chiếc bánh đẹp và ngon, còn có thêm các nguyên liệu như nếp cái hoa vàng, quả gấc chín đỏ, lạc, vừng rang vàng, mỡ phần, cơm dừa xắt lát ướp đường, mứt bí, mạch nha, và hương hoa bưởi.
Lại chiên vàng những "trứng cáy" (hạt nếp đã chế biến) trong dầu ăn. Mạch nha được ủ rồi đem nấu trên bếp than đỏ hồng. Xong, đảo thật đều tay những "trứng cáy", hạt nẻ, mỡ phần, cơm dừa, mứt bí, gừng sợi, thêm tí hương hoa bưởi khi đã đến độ kết dính thích hợp. Cuối cùng cho hỗn hợp đó vào khuôn, rắc phía dưới và trên khuôn một lớp vừng mỏng rồi cán bánh tùy theo kích thức to nhỏ, dày mỏng khác nhau. Sau cùng mới rắc lên một lớp bột nếp khô để chống dính.
Trong không khí se lạnh của những ngày Tết cổ truyền, ăn bánh cáy và uống nước chè thì thật không còn gì bằng. Sự kết hợp giữa nhiều nguyên liệu ấy đem đến cho bánh cáy một hương vị rất lạ, kết hợp vị ngọt thanh từ đường mía, vị cay nhẹ của hương gừng, sự béo bùi của nếp cái hoa vàng, vừng, lạc, vị giòn tan hay deo dẻo của gạo nếp rang và cốm non…
Vũ Hào