Bánh này còn gọi là bánh ít đất võ, được gói bằng lá chuối tơ, mướt dịu. Bánh làm rất công phu. Thoạt tiên, chọn lá gai trồng trong vườn. Lá phải có hình trái tim, hơi xốp, và khô. Làm một trăm bánh ít phải hái đến hai ba thúng lá gai. Lá đem rửa sạch, luộc chín, để thật ráo nước rồi đem vào cối giã nhuyễn. Phải là trai lực lưỡng mới đủ sức quết. Gọi là quết vì là cần nhuyễn như bột nên phải giã lâu. Bấy giờ mới đem bột nếp, thứ nếp thơm dẻo, trộn với đường bánh màu đen, sau đó đổ bột nếp vào cối. Quết tiếp hai ba chày đến khi phải thoa dầu phộng, hoặc dầu dừa vào đầu chày để bột khỏi dính và dầu được trộn đều. Nhân bánh, có thể dùng đậu xanh, đậu đen hay cơm dừa nạo nấu chín với đường, đôi khi người ta dùng tôm xào với thịt để làm nhân, đó là loại bánh ít mặn. Lá chuối cắt khoanh tròn, hơ lửa cho mềm, thoa dầu phộng và gói bánh thành hình tháp vuông rồi đem hấp cách thủy. Nhìn chiếc bánh người ta có thể biết được độ ngon của bánh và kỹ thuật gói của người con gái đất võ. Bánh ít lá gai thật dẻo nhưng không dính răng. Cắn một miếng, đầu lưỡi sẽ thấy ngay vị ngọt của đường, vị thơm của nếp, vị béo của dầu, vị bùi của đậu, hương cay nồng của gừng, tạo một cảm giác khoái khẩu và rất riêng. Bạn có thể ăn nhiều bánh ít lá gai mà không sợ đau bụng. Theo lời giải thích của người dân đất võ thì trong lá gai có vị thuốc chống đau bụng, đặc biệt là vị gừng tạo độ ấm và lá gai còn tác dụng chữa trị bệnh no hơi. Ở vùng Tam Quan (Hoài Nhơn) là xứ dừa nên thường nhân bánh ít được làm bằng bánh dừa xay nhỏ. Ăn bánh ít lá gai Tam Quan, có vị béo lẫn vị ngọt không sao quên được. Ở vùng gần biển thì nhân bánh ít làm bằng tôm và thịt. Giống tôm rằn vị ngọt đậm đà xào với thịt ba chỉ, thêm một ít muối, hành, tiêu thành hương vị biển. (Theo Báo Cần Thơ) |
Có thể bạn quan tâm: