Chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, lễ hội Trung thu từ lâu cũng đã trở thành một lễ hội truyền thống của một số nước Đông Nam Á và Đông A, đặc biệt khi sống giữa những người gốc Trung Quốc. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia với nền văn hóa khác nhau thì lễ hội Trung thu cũng có những sự khác biệt.
Nhật Bản
Nhật Bản cũng tổ chức lễ hội trung thu vào này 15 tháng 8 Âm lịch. Khi lễ hội này được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc khoảng 1.000 năm trước, phong tục ngắm trăng được thực hiện trong khi tổ chức một bữa tiệc, được gọi là “Bữa tiệc thưởng trăng”. Mặc dù hiện nay Nhật Bản không còn sử dụng âm lịch Trung Quốc nữa những phong tục này vẫn được duy trì ở nhiều nơi.
Khác với một số nước, món bánh đặc trưng ở lễ hội trung thu của người Nhật là món bánh bao, được làm từ bột gạo nếp có tên Tsukimi-Dango.
Vào đêm trăng rằm, người Nhật thường bày bánh Tsukimi-Dango theo hình tam giác trên một chiếc kệ gỗ, thêm bình cỏ susuki và một số loại hoa quả nữa. Chúng được đặt trước hiên nhà, gần bên cửa sổ hay hay bất cứ đâu có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn vừa ngắm trăng.
Ở một số nơi, họ quan niệm sau khi cúng xong thì đặt bánh ở ngoài hiên, nếu trẻ con tự ý đến lấy thì đó là một điều may mắn.
Hàn Quốc
Lễ hội Trung thu tại đất nước này được xem như là một sự kiện lớn của cả nước, còn được gọi là “Ngày lễ tạ ơn” của người dân địa phương.
Người dân Hàn Quốc sẽ có một kỳ nghỉ dài 3 ngày, để họ trở về nhà, về quê hương để thăm gia đình và người thân. Bên cạnh đó, cũng có một phong tục khác nữa đó là gửi quà cho người thân và bạn bè. Vì vậy, trong lễ hội, những người bán hàng thường có các chương trình giảm giá để thu hút người mua quà.
Bánh trung thu truyền thống của người Hàn Quốc đó là món bánh Songpyeon được nặn theo hình lưỡi liềm. Nếu như người Việt Nam, Trung Quốc xem trăng tròn là biểu tượng của sự viên mãn, hạnh phúc thì người Hàn Quốc lại xem trọng hình ảnh trăng khuyết. Bởi họ cho rằng, trăng khuyến rồi sẽ tròn, cũng như sự sinh sôi, phát triển.
Bánh Songpyeon được làm từ bột gạo và một số nguyên liệu khác như đậu xanh, đậu đỏ, vừng, mật, đường… Và được hấp cùng với lá thông tươi. Bánh thường được làm với nhiều màu sắc như trắng, hồng, xanh đậm, vàng, nâu…
Singapore
ở Singapore, lễ hội Trung thu chính là dịp tốt nhất để liên lạc thăm hỏi, gửi lời chào, lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân yêu, bạn bè, đối tác kinh doanh. Và họ thể hiện điều đó bằng cách gửi bánh trung thu.
Và món bánh trung thu truyền thống của quốc đảo sư tử chính là bánh dẻo. Món bánh được làm từ bột mỳ, bột gạo với lớp vỏ bóng mỏng.
Bánh dẻo truyền thống của Singapore có nhiều màu sắc đa dạng tương ứng với nhân bánh. Chẳng hạn như nhân trà xanh thì bánh màu xanh, nhân khoai môn thì bánh có màu hồng, bánh nhân sầu riêng có màu vàng. Bánh sau khi làm xong được giữ và ăn lạnh nên còn gọi là bánh trung thu lạnh.
Đồng thời, vì đất nước này là một điểm đến du lịch nổi tiếng nên người dân địa phương cũng không bỏ lỡ cơ hội để thu hút khác. Những địa điểm nổi tiếng cũng được trang trí để tiếp đón khách du lịch.
Malaysia
Ăn bánh trung thu, ngắm trăng và diễu hành với những chiếc đèn lồng là phong tục Trung thu truyền thống của người Malaysia trong nhiều thế hệ. Đồng thời cũng có thể có múa lân sư rồng, diễu hành xa hơi vô cùng lạ mắt cùng những lễ kỷ niệm khác.
Ở Malaysia, có hai loại bánh trung thu nổi tiếng đó chính là Casahana và Baker’s Cottage. Bánh có nhiều màu sắc phong phú và hương vị cũng rất đa dạng. Có thể kể qua như vị đậu đỏ Azuki Nhật Bản hay vị sen trắng Omochi. Bánh sử dụng nguyên liệu thực vật là chính với vị ngọt vừa.
Tại lễ hội Trung thu, các thương hiệu sẽ tăng cường quảng bá bánh trung thu, những quầy đặc biệt được đặt tại các trung tâm mua sắm để bán bánh trung thu; báo chí, các chương trình truyền hình dày đặc những quảng cáo bánh trung thu.
Thái Lan
Theo truyền thuyết Thái Lan, vào đêm hội Trung thu sẽ có 8 vị thần bất tử đến Cung điện Mặt trăng để gửi bánh hình đào cùng lời chúc mừng sinh nhật tới Guanyin – là một vị Bồ Tát. Vì vậy, bánh trung thu của người dân Thái lan có hình quả đào.
Theo đó, vào ngày lễ tất cả các thành viên trong gia đình, bao gồm đàn ông và phụ nữ, cả trẻ em và người già đều cùng nhau ngồi quanh bàn với các lễ cúng mặt trăng, cùng cầu nguyện và cho nhau những người chúc.
Philippines
Vào lễ hội Trung thu, ở những khu phố của người Trung Quốc sinh sống sẽ được trang trí bằng đèn lồng, những biểu ngữ đầy màu sắc. Nhất là thị trấn Trung Quốc ở Manila.
Các hoạt động được tổ chức như diễu hành, múa rồng, biểu diễn quần áo truyền thống Trung Quốc, rước đèn lồng và lễ hội diễn hành xe hơi độc đáo.
Tại Philippines, có rất nhiều loại bánh trung thu được chế biến hay nhập khẩu và bày bán ở nhiều cửa hàng. Tuy nhiên, bánh Hopia được cho là loại bánh được người dân nơi đây ăn nhiều nhất trong dịp này. Bánh có bề ngoài đơn giản, lớp bột vỏ bánh được nướng vàng giòn; nhân bánh đa dạng với đậu xanh, khoai lang tím, đậu đỏ, thịt lợn…
Việt Nam
Nhân vật chính trong lễ hội Trung thu ở Việt Nam chính là trẻ em. Những ngày này, có rất nhiều đèn lồng, mặt nạ, các loại đồ chơi và bánh trung thu được bày bán.
Ở Việt Nam, bánh trung thu có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo, thường được làm theo hình vuông hoặc hình tròn. Bánh trung thu truyền thống thường có nhân ngọt là đậu xanh hay hạt sen; hoặc nhân thập cẩm với lạp xưởng, mứt bí, mỡ đường, lá chanh, jambon,…
Trong dịp phá cỗ trung thu, cả hai loại bánh đều được mang ra ăn cùng, bên cạnh đó còn có các loại đồ ăn khác như bưởi, cốm, hồng... Trong khi người lớn ăn bánh, thưởng trà và ngắm trăng thì trẻ em sẽ chơi đùa với những chiếc đèn trung thu tuyệt đẹp của chúng. Người dân thường tổ chức những đêm hội trăng rằm cho trẻ cùng rước đèn, phá cỗ; hay tổ chức các cuộc thi làm đèn lồng. Một số nơi còn tổ chức múa lân để lễ hội được rộn ràng hơn.