Cơm lam và bánh của người Cơ Tu. |
Đây là món hổ lốn được nấu trong ống nứa. Nguyên liệu gồm rau, măng, dọc mùng, thịt rừng hoặc có suối, ít con mối và chú dế bầu hoặc vài con dế dũi... tất cả cho vào ống nấu tươi và cho lên bếp đun chín. Khi nấu vừa chín tới, người ta lấy gai mây (áp dương) cho vào ống, một tay thọt (zăr) nhẹ nhàng cho đến khi các món trong ống nhừ ra, quyện vào nhau thành một chất dẻo. Khi đó muối, ớt được bỏ vào, thọt cho đều và nhắc ra, có thể bỏ thêm một ít rau thơm và mì chính. Món này chấm sắn rất được ưa thích. Tùy theo con vật bắt được, món Zăr có tên riêng khác nhau.
Ngoài việc đồ xôi, đồng bào Cơ Tu thường nấu nhiều cơm lam để ăn và đãi khách trong lễ Tết. Cơm lam (aví hor), cơm nếp lam (koo đép) là món ăn được ưa thích bởi gạo tẻ hoặc gạo nếp được nấu trong ống nứa. Trước khi nấu, thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào ống, lấy lá chuối nút lại và đặt trên bếp. Ngồi bên bếp lửa cầm ống nứa trở qua trở lại thì ống nứa bắt đầu sôi lên và bớt chín tới. Trước khi mang ra đãi khánh, các ống cơm lam đều được chẻ bỏ bớt phần cật nứa bên ngoài cho sạch, chỉ để lại phần lõi bên trong. Người ăn có thể cầm cả ống cơm lam tách phần nứa còn bám vào để lấy cơm ăn hoặc có khi chủ nhà cắt thành từng khúc để mời khách. Tuy nhiên, khi ăn cơm lam khách tự bóc sẽ thú vị hơn. Bóc làm sao để vẫn giữ được lớp vỏ lụa trắng mỏng manh của cây nứa thì mới cảm nhận hết chất thơm ngon, dẻo ngọt của xôi nếp.
Cá nấu trong ống nứa (koo gdhoong) cũng là món phổ biến của người Cơ Tu trong lễ Tết. Cá được nướng trong ống cho cháy ống, cá khô như được phơi rồi để dành ăn dần. Thịt nấu trong ống cũng có hương vị hấp dẫn, nhất là bộ lòng trâu, bò, heo, dê làm sạch cho vào ống nấu, thịt cứng săn lại, khô, thơm ngào ngạt. Trong các dịp lễ Tết, nhất là lễ cưới, người Cơ Tu còn làm nhiều ống cơm rượu (cha chắc) để đãi khách. Cơm rượu được làm bằng nếp huyết hay nếp than. Khi nấu cơm nếp trộn men vào rồi cho vào ống tre để vài ngày cho lên men thành cơm rượu. Cơm rượu ống tre có vị thơm, ngọt, ăn nhiều có thể say nhẹ như người uống rượu.
Một lễ hội lớn, đồng bào có thể làm nhiều món lam khác nhau, nhất là dịp Tết và lễ cưới thì có đến hàng chục gùi món ăn lam. Cái ngon của các món ăn lam là không chỉ giữ được hầu như nguyên vẹn hương vị tự nhiên của lương thực, thực phẩm mà còn mang đậm tập quán của dân tộc.