Không chua vẫn cho nhiều vitamin C
Trong quan niệm của người dân, những loại trái cây, rau quả có tính chua thì cho nhiều vitamin C. Điều này đúng nhưng chưa đủ, vì trong thực tế có nhiều loại rau trái không chua nhưng lại chứa rất nhiều vitamin C.
khoai tây là một thực phẩm không chua nhưng chứa nhiều vitamin C. Ảnh: Khánh Hòa. |
Theo TS-BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM, quả ớt đỏ ngọt (tươi) cứ 100 ml (khoảng 1/2 ly) sẽ cho 95 mg vitamin C; 3/4 ly cam ép chứa 93 mg C; 3/4 ly nước ép từ quả nho có 70 mg C; nửa ly bông cải xanh luộc chín có 51 mg C; một quả kiwi loại vừa chứa 64 mg C; một củ khoai tây nướng hoặc một trái cà chua sống có 17mg C; một muỗng cà phê nước cốt chanh tươi có 6mg C... Điều đó cho thấy, một số thực phẩm như ớt, bông cải xanh hay khoai tây không hề chua nhưng lại cho nhiều vitamin C.
Cách bảo quản và sử dụng
Cách bảo quản vitamin c tốt nhất là ở nhiệt độ lạnh, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ hạn chế việc mất lượng vitamin C trong rau trái. Cũng theo TS-BS Minh Hạnh, các loại rau quả, trái cây cung cấp rất nhiều vitamin C, giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, tốt cho tim mạch, đẩy lùi các bệnh lão hóa... Loại vitamin này lại rất dễ mất bởi nhiệt độ, ánh sáng hay thời gian. Trong quá trình chế biến thực phẩm, cần đậy nắp nồi để không bị mất vitamin C, nấu xong nên dùng ngay, vì càng để lâu, lượng vitamin này càng giảm.
Giữ rau quả ở nhiệt độ thấp sẽ hạn chế giảm lượng vitamin C do nhiệt độ gây ra. Ảnh: Khánh Hòa. |
Với các loại rau thì trong lá có nhiều vitamin C hơn là thân, riêng với các loại quả chín trên cây sẽ cho nhiều vitamin C hơn là hái quả xanh và để chín. Những người ăn chay thường xuyên, để giúp cơ thể dễ hấp thu chất sắt, canxi... cần ăn nhiều các loại rau quả có chứa nhiều vitamin C. Bên cạnh đó, vitamin C cũng rất tốt cho những người nghiện thuốc lá. Ăn nhiều rau trái sẽ giúp bổ sung lượng vitamin C bị mất do thuốc lá gây ra.
Theo Hội Đầu Bếp Sài Gòn