Cách đây vài năm, một cô giáo đã sáng tạo ra cái món chả giò rế, lớp vỏ bánh tráng được thay bằng một lớp sợi bột mảnh như sợi chỉ, chiên lên ăn thật giòn mà không “no” dầu mỡ.
Tại nhà hàng Á của khách sạn Caraven, có món chả giò của đầu bếp Mỹ, Brand Turley. Món này chỉ có 2 cuốn, lớp vỏ bọc bên ngoài là bánh tráng, bột mì và cũng chiên giòn nhưng phần nhân lại là các thứ trái cây như dứa, đu đủ, mít, chuối, xoài…, một chút cay của gừng ngâm muối. Rưới lên một chút nước sốt dâu rừng hơi chua chua, mằn mặn, kế bên lại bày thêm một thìa kem lạnh.
Chả giò cá lóc cũng không giống bất cứ loại nào. Từ con cá lóc tươi người ta lóc lấy thịt để trộn chung với nhân là các loại thịt băm, tôm xay, mộc nhĩ… Bọc bên ngoài là chính miếng da cá được lạng thật mỏng, trước khi chiên áo thêm một lớp bột thật mỏng. Một con cá nửa kg chỉ làm được chừng chục cuốn chả. Miếng chả vừa thật giòn, vừa thật mềm, ngọt và thơm mùi của cá.
Ở quán bánh hỏi Bà Rịa trên đường Nguyễn Tri Phương (TP HCM) còn có loại chả giò cá trích ăn chung với bánh hỏi. Cá trích nhiều xương nhưng đã được khéo léo lột bỏ khung xương, băm nhuyễn dùng làm nhân. Nhưng loại này không có thường xuyên, vì lệ thuộc vào thời vụ đánh bắt.
Mới đây, công ty Agifish An Giang lại tung ra thị trường loại chả giò cá ba sa, nhân tinh là cá basa phi lê tẩm gia vị. Lại có món chả giò cá sấu của nhà hàng Cá sấu Hoa cà, có vỏ mỏng giòn tan, nhân mềm và thơm ngon đến khó quên.
Mỗi quán ăn, mỗi nhà hàng đều tìm cho mình một chả giò riêng. Như quán Hương Cau có chả vỏ làm bằng bánh mì; chả giò quán Cổ Ngư được cuốn bằng loại bánh tráng thật mỏng, áo một lớp bột xù rồi mới chiên. Có nơi như nhà hàng 123 ở đầu đường Lê Lợi lại trở về với những gì đơn giản nhất. Chỉ lột vỏ tôm, cuốn sơ sài bằng một lớp bánh tráng mỏng, rồi chiên lên.