Dưới đây là những loại cháo hải sản ngon miệng dành cho bạn và các thành viên trong gia đình.
1. Cháo sò điệp
Cháo sò điệp với hương vị thơm ngon là một lựa chọn tốt cho bạn và gia đình khi muốn đổi món. Sò điệp lựa những con còn tươi sống, tách vỏ lấy phần thịt bên trong, rửa sạch và để ráo. Đặt chảo lên bếp, làm nóng với một ít dầu và cho sò điệp vào xào sơ với một ít hạt nêm.
Cháo sò điệp. Ảnh: K.H. |
Gạo vo sạch, cho vào nồi nấu đến khi gạo nở bung, khi thấy nước cạn dần thì chế thêm nước và đảo đều cho gạo chín nhừ.Khi cháo chín, cho sò điệp đã xào vào cháo và đảo đều với lửa nhỏ, nêm lại gia vị cho vừa ăn. Tắt bếp, cho vào cháo vài đầu hành, hành lá thái nhỏ, rắc thêm ít tiêu để món cháo thêm thơm ngon. Cháo sò điệp ăn khi còn nóng mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của nó.
2. Cháo ốc thập cẩm
Bát cháo ốc nghi ngút khói cùng hương thơm quyến rũ kích thích từng vị giác của bạn. Trong cái hơi se lạnh của khí trời ngày mưa, còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi bên bát cháo nóng hổi, húp từng thìa cháo cảm nhận cái đậm đà, cái ngọt của thịt ốc đang lan dần trong miệng.
Cháo ốc thập cẩm. Ảnh: K.H. |
Cháo ốc thập cẩm là món ăn ngon miệng và bổ dưỡng, sự kết hợp hài hòa giữa hương vị các loại sò, ốc đem lại cho người ăn sự hài lòng khi thưởng thức. Ốc nấu cháo được lựa chọn từ những loại ốc rất ngon miệng và nổi tiếng như: ốc mặt trăng, vú nàng, sò vằn, nghêu...
3. Cháo sò huyết
Cháo sò huyết quyến rũ thực khách ở cái màu đỏ lạ của cháo - phần được gọi là máu của loại hải sản này tiết ra; màu xanh của hành ngò và của phần thịt sò huyết đỏ thẳm bên trong. Cháo sò huyết là món ăn vừa có giá trị dinh dưỡng cao, lại vừa là một trong những bài thuốc chữa bệnh.
Cháo sò huyết. Ảnh: K.H. |
Chế biến món ăn này bằng cách phi thơm tỏi với dầu ăn và cho gạo vào xào cho săn lại, sau đó thêm một tô nước vào nấu cho đến khi gạo nở bung. Sò huyết tách vỏ lấy thịt và xào thịt sò huyết với tỏi cho vừa chín tới. Để có một bát cháo sò huyết ngon hợp khẩu vị, người nấu phải làm sao để sò phải giòn và mềm. Đây là món ăn cần phải nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
4. Cháo cá miền Tây
Món ăn dân dã, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Nguyên liệu nấu món này gồm cá lóc đồng và rau đắng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa.
Cháo cá miền Tây. Ảnh: K.H. |
Thành phần làm nên gia vị cho món ăn là rau đắng. Người dân miệt vườn khi ăn món này chỉ cần đi một vòng trong vườn nhà là có đủ một rổ rau đắng tươi thơm ngon. Múc cháo ra bát, cho vào ít thịt cá lóc và thưởng thức với đĩa rau đắng tươi ngon. Bạn có thể nêm thêm một tí nước mắm, một lát chanh để món ăn thêm đậm đà, ngon miệng.
5. Cháo cá nấm tràm
Nấm tràm có màu tím thẫm bên ngoài, bên trong có vị trắng mịn, khi ăn có vị đắng. Để nấu cháo, người ta thường lựa những cây nấm còn búp hay vừng mới bung tai vẫn còn vị béo và giòn rất ngon. Nấm sau khi hái về được cắt bỏ phần cuốn, rửa sạch và để ráo. Cá lóc làm sạch, đem luộc chín, khéo léo gỡ bỏ xương. Ngoài cá và nấm tràm, còn có các nguyên liệu khác như rau đắng, khoai môn thái thành phần nhỏ.
Cháo cá nấm tràm. Ảnh: K.H. |
Gạo vo sạch, cho vào nước luộc cá để nấu, khi gạo nở ra thì cho khoai môn vào. Sau đó cho tiếp nấm tràm, cá lóc và rau đắng vào. Khi cháo chín, nêm lại gia vị cho vừa ăn thì tắt bếp, múc ra bát, cho vào một ít hành ngò để món ăn dậy mùi thơm và thưởng thức khi còn nóng. Thưởng thức cháo nấm tràm là hưởng trọn hương vị giòn, béo và hơi đắng của nấm, vị ngọt của thịt cá, cái đắng của rau tất cả tạo nên một hương vị thơm ngon rất lạ miệng.
Khánh Hòa