Theo tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Thị Minh, một trong những thành viên tham gia dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (CIDA) thì thịt gà, vịt trên thị trường hiện nay khó có thể phân biệt đâu là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, nếu tinh ý, các bà nội trợ có thể tránh được những con vịt có chất lượng không đảm bảo.
Ảnh minh họa: báo Nông nghiệp VN. |
Với vịt: Không nên sờ lườn như gà mà sờ 2 xương hông ở gần đuôi, nếu không thấy chồi xương tức là vịt béo. Ngoài ra, cần nhìn lông. Lông vịt ngon thường dài, mượt không xù. Nếu xù lên thường là vịt đang thay lông, sẽ khó làm lông. Lật lớp lông lên nếu thấy điểm ít lông măng thì vịt bắt đầu béo. Nếu đã thay lông măng rồi, thường vịt bao giờ cũng gầy.
Khi mua vịt, các chị em cần chú ý đến cánh. Nếu 2 cánh dài, chóp cánh chéo lại xếp lên nhau dưới đuôi là vịt khoảng 60 – 80 ngày tuổi, ăn sẽ rất ngon. Vịt non quá, cánh sẽ ngắn, không thể chéo cánh và được gọi là vịt móng trâu. Ăn vịt non, thịt bị ngót và ra nhiều nước.
Cũng không nên mua vịt già vì thịt sẽ dai. Một đặc điểm khá đặc biệt là vịt đến độ ăn ngon thì lật bàn chân lên. Phía gậm có cục chai mỏng, mềm, cục chai nhỏ là vịt vừa ngon. Vịt già, chai ở chân thường dày thì không nên mua.
Muốn làm thịt vịt hết bị hôi, theo tiến sĩ Minh cho biết: “Muốn hết hôi khi chế biến món vịt, trước khi mổ thịt 15 phút, cho vịt uống một thìa dấm hoặc chanh. Khi mổ, cắt bỏ tuyến hôi trên phao câu”.
Với ngan, khi mua, bà nội trợ cũng nên sờ lưng, xương hông. Nhiều chị em còn bị người bán đánh lừa giữa vịt và ngan. Bán vịt nhưng lại nói là ngan, vì giá vịt bao giờ cũng rẻ hơn ngan. Các chị em nên chú ý, ngan có mào, còn vịt thì không. Ngoài ra, chân ngan rất khỏe, nếu móc chân chổng ngược lên, chân ngan vẫn bám chắc còn chân vịt thì không thể.
Cũng có người bán quảng cáo là vịt lai ngan, tiến sĩ Minh khẳng định, công nghệ làm vịt lai ngan đắt nên không có vịt lai ngan bán trên thị trường.
Chọn gà: Mào ngắn, chân nhỏ không mốc
Trên thực tế, gà lậu vẫn được tuồn vào các chợ ở Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành khác. Ăn những con gà này, người tiêu dùng sẽ ăn luôn cả dư lượng thuốc kháng sinh cao hoặc thuốc kích đẻ trứng.
Gà lậu thường có mào dài, rủ. Vì vậy, nên chọn gà mào ngắn, thẳng, chân nhỏ, không mốc.
Ông Nguyễn Quý Thạch, bác sĩ thú y, người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm cho biết: Bình thường gà nuôi được khoảng 5 đến 6 tháng thì có thể đẻ trứng. Nếu cho ăn thức ăn chưa có thuốc kích đẻ trứng thì đẻ 50 – 60%. Tức đàn có 100 con thì đẻ 50 – 60 quả/ngày. Nhưng cho thuốc thì đẻ với tỉ lệ 80 – 90%.
Khi gà bắt đầu đến giai đoạn đẻ trứng sẽ được người nuôi cho ăn thức ăn trộn thuốc theo tỉ lệ nhất định. Nếu đàn gà tốt, có thể để đẻ liên tục một năm, nếu không chỉ nửa năm.
Theo ông Thạch, trong quá trình nuôi, người nuôi còn cho gà uống kháng sinh Sulfamid giúp gà dự phòng và chống được bệnh tật. Kháng sinh này phổ rộng nên dự phòng và chữa nhiều bệnh như tụ huyết trùng, hen suyễn của gà…
Điều nguy hiểm là khi gà đó được bán ra thì dù trong thịt vẫn có dinh dưỡng nhưng có chất độc, chất dẫn độc, kháng sinh. Ăn vào thì người cũng quen thuốc, vi khuẩn quen thuốc. Khi bị bệnh cấp, dùng kháng sinh chữa sẽ khó khỏi.
Bác sĩ thú y Nguyễn Quý Thạch tư vấn cho chị em nhận biết gà nhập lậu, thường là gà đã qua đẻ nhiều cần dựa vào những yếu tố sau:
- Gà càng đẻ nhiều thì càng béo, nhiều thịt nạc, lông rụng, không mượt, cựa dài, hậu môn to. Đặc biệt mào ngả sang bên, chân khô, mốc. Vì gà đẻ hay mổ nhau nên người nuôi thường cắt bớt mỏ. Vì vậy, gà đẻ nhiều có mỏ ngắn, không nhọn, quặp.
- Nếu muốn biết gà đó có kháng sinh hay không, nhìn mắt thường khó biết, chỉ có thể lấy máu, lấy mẫu thịt có thể phân tích ra.
- Gà ngon là những con gà nuôi tầm 4 tháng, lông mượt, mọc đều, mào vừa tầm, dựng, chân mượt, cựa nhỏ, không dài, hậu môn chặt.
- Khi chọn gà, nên đứng xa rồi mới lại gần. Vì nhìn từ xa, thấy gà mở mắt, mắt sáng thường là gà khỏe. Lại gần, người bán gà khua tay hoặc rung lồng thì gà sẽ mở mắt.
- Khi lại gần, sờ diều gà không quá no, quá đói, phân gà như con ốc, mào phải đỏ, dựng, ngực chắc, không có tiếng khò khè. Lông gà càng vàng, càng sáng thì da vàng và là gà ngon. Nếu có điều kiện, mua gà về nên nhốt trước khi ăn vài hôm và cho ăn gạo, thóc của gia đình, vì nếu gà đó có cho thuốc kháng sinh thì thuốc sẽ được thải ra ngoài sẽ bớt độc.
Cũng theo khuyến cáo của Cục Thú y, nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt gà ta và gà thải loại. Tuy nhiên, các bà nội trợ sẽ dễ nhận diện gà thải loại khi sờ trực tiếp bằng tay.
- Nếu là gà thải, do đẻ trứng trong thời gian dài nên lông ở phần cổ và phần đầu bị trụi, phần hậu môn sẽ phình to. Khi mổ, thấy buồng trứng teo nhỏ, có xuất huyết trong bụng gà.
- Theo một số người tiêu dùng có kinh nghiệm, gà Trung Quốc da thường nhăn nheo, thịt khi luộc lên có màu trắng bệch, dai, thậm chí có mùi giống như mùi thuốc kháng sinh.
Theo VTC