Khoảng hơn một tuần trở lại đây, cóc bao tử được bày bán khá nhiều tại các tuyến phố Hà Nội. Theo một số tiểu thương, cóc bao tử có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp... Cóc chính vụ vào khoảng tháng 7 âm lịch nhưng ngay từ tháng 3, người dân Thủ đô cũng có thể thưởng thức được thứ “đặc sản” miền Tây này.
Cóc bao tử có nguồn gốc từ các tỉnh miền Tây như An Giang, Đồng Tháp...
Theo chị Hoa – một người bán hoa quả rong tại phố Chùa Láng (Đống Đa), cóc non rất dễ ăn với đặc điểm là không có hạt hoặc hạt nhỏ, không sợ bị các gai của hạt đâm vào miệng khi ăn như cóc già nên khá nhiều người chọn mua. Mỗi cân cóc có giá dao động từ 30 – 35.000 đồng. Đối với cóc đã gọt vỏ, trộn nguyện liệu được bán với giá 60 – 80.000 đồng/kg.
Cóc non rất dễ ăn với đặc điểm là không có hạt hoặc hạt nhỏ, không sợ bị các gai của hạt đâm vào miệng khi ăn như cóc già nên khá nhiều người chọn mua
Vừa tất bật chọn cóc về ăn, chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa bật mí cách làm món cóc dầm. Theo chị Vân, sau khi gọt vỏ, cóc được cắt làm bốn phần hoặc cắt cuống rồi mang ngâm nước muối. Cứ một lớp cóc, rải lên lớp muối và một lớp đường. Đặc biệt, nếu cóc càng chua, gia vị càng phải cho nhiều. Sau đó trộn đều và để khoảng 3 tiếng là ăn được. Nếu ai ăn được cay nữa, món này khỏi chê.
“Đối với những người muốn ăn cóc muối, sau khi gọt, rửa sạch, đem cóc trộn với nước đường pha ớt cay, cho vào ngăn mát tủ lạnh. Vài ngày sau bạn sẽ có món “dưa cay” chua ngọt. Mùa hè thời tiết oi bức, nắng mưa thất thường, ăn cóc giải nhiệt, giải cảm cũng rất tốt”, chị Vân chia sẻ thêm.
Cóc được bày bán trên rất nhiều tuyến đường của Thủ đô.
Loại trái cây tuy dân dã với vị chua ngọt bình dị nhưng lại là món ăn vặt mê hoặc biết bao người.
Vị cay cay của ớt, vị mặn của muối tôm hòa lẫn với vị chua giòn của cóc là món khoái khẩu của rất nhiều chị em.
Mỗi cân cóc có giá dao động từ 30 – 35.000 đồng.
Đối với cóc đã gọt vỏ, trộn nguyện liệu được bán với giá 60 – 80.000 đồng/kg.