Những người yêu thích hương vị cổ truyền của Tết Hà Nội, chắc hẳn đều biết tới nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết, một trong những người còn lưu giữ được nét tinh tế đặc trưng ấy.
Với những bí quyết nấu nướng gia truyền rất công phu, bà vẫn từng ngày giữ "hồn" cỗ Tết cổ truyền và dành cả cuộc đời mình lưu giữ, quảng bá ẩm thực giàu truyền thống của vùng đất Hà Thành đến với mọi người.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết.
Nghệ nhân Ánh Tuyết kể, bà là thế hệ thứ 7 của dòng họ gốc Hà Nội. Được thừa hưởng sự khéo léo trong nấu ăn của bà và mẹ nên từ năm 9 tuổi, bà đã thông thạo chuyện bếp núc.
Bà bảo, thời của bà, con gái Hà Nội xưa được giáo dục chu toàn từ cách ăn nói nhỏ nhẹ, cách đi đứng tế nhị và và quan trọng hơn cả là “nữ công gia chánh” giỏi giang bởi đó là điều, người ta nhìn vào đánh giá gia đình có nề nếp, gia phong không.
“Con gái Hà Nội phải giỏi nữ công gia chánh, chứ không phải đi học ở đâu. Ngày xưa các cụ dạy rất kỹ, 9-10 tuổi là con gái cơm nước phải thạo, làm cho tay, tư duy của mình nhuần nhuyễn vì phải đi lấy chồng.
Sự dạy dỗ của gia đình mình sẽ được bố mẹ chồng đánh giá khi về đó, không như các bạn trẻ bây giờ. Đó là một nếp nhà, một sự giáo dục bắt buộc phải học nên tôi nhuần nhuyễn từ sơ khai. Điều quan trọng nhất của người phụ nữ là cơm dẻo canh ngọt, đó cũng là thiên bẩm trời cho chức năng của người phụ nữ”, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.
Kể về hành trình trở thành nghệ nhân ẩm thực của mình, nghệ sĩ Ánh Tuyết mỉm cười cho biết, cơ duyên bắt đầu vào năm 2000, khi bà tham gia hội chợ ẩm thực ở một khách sạn và được nhận huy chương vàng. Đó là sự khởi đầu cho sự nghiệp ẩm thực đầy hào quang và đưa bà trở thành đầu bếp của những chính khách hết sức tình cờ.
Từ đó đến giờ bà không biết đã phục vụ cho bao nhiêu chính khách, lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Với bà, nấu ăn cho các lãnh đạo cấp cao cũng giống như cho chính gia đình mình.
Bà bảo, đó là vinh dự nhưng cũng là trọng trách vô cùng lớn lao. Mỗi lần phục vụ cho các chính khách hay lãnh đạo cấp cao của nhà nước, bà phải tìm hiểu văn hóa, nghiên cứu rất nhiều để không xảy ra sai sót nào, dù là chân tơ, ngọn tóc. Chính vì sự tỉ mẩn, công phu trong nấu ăn của mình mà bao năm qua, bà vẫn luôn được tín nhiệm phục vụ những sự kiện lớn của đất nước.
Nghệ nhân Ánh Tuyết trong sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Kể về lần phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 với sự tham gia của 21 quốc gia gần đây, bà cho biết, để trở thành người phục vụ tốt, bà đã phải dành 6 tháng trời để nghiên cứu, dày công tìm hiểu nền văn hóa của các nước, làm thế nào để hợp lòng 21 quốc gia khác nhau.
“Có lẽ sự kiện khiến tôi xúc động nhất, hạnh phúc nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra ở Đà Nẵng. Phục vụ 21 nguyên thủ quốc gia, 21 nền kinh tế lớn, áp lực đặt lên rất lớn bởi đó là thể diện, quốc hồn quốc túy dân tộc và tôi là người đại diện. Điều đó đối với tôi đòi hỏi cả một trình độ, lồng vào chính trị chứ không phải đơn thuần là chế biến.
Mỗi nước là một nền văn hóa khác nhau, không ai giống ai, đó chưa kể về tôn giáo nữa. Người ta thờ cúng gì mình phải tôn trọng điều đó và nghiên cứu kỹ, chính xác từng quốc gia, nền văn hóa một để nói lên đẳng cấp chuyên nghiệp của mình. Sự kiện diễn ra xong, tôi thở phào nhẹ nhõm vì quá thành công.
Theo tôi làm bất cứ việc gì cũng luôn phải đặt cái tâm của mình vào đó kể cả là những vị khách bình thường, không phải chính khách vì điều đó là đạo đức nghề nghiệp, phải làm hết mình, không còn gì hối tiếc”, nghệ nhân Ánh Tuyết tâm sự.
Nổi tiếng là nghệ nhân ẩm thực, phục vụ cho rất nhiều chính khách, lãnh đạo cấp cao, thế nhưng ít ai biết, mỗi khi Tết đến là những ngày bà không được nghỉ. Nhắc đến ngày Tết của mình, gương mặt bà đượm buồn bởi đến nay đã gần 70 tuổi nhưng bà chưa năm nào được đi chơi chợ hoa, đi mua đào quất như mọi nhà.
Bà bảo đó là sự hy sinh lớn của bà trong nghề ẩm thực này bởi những ngày Tết đến, guồng quay của công việc cứ cuốn bà để rồi khi mệt nhoài ngồi nghỉ mới nhận ra nó đã qua lúc nào chẳng hay.
“Tôi làm nghề ẩm thực nên càng gần Tết càng tươi tốt. 26-27 Tết người ta mới muốn lấy đồ nên tôi không có thời gian đi đâu được. Không năm nào ngày Tết tôi được đi chơi chợ hoa, đi mua đào mua quất, có thể nói chưa bao chờ cho đến bây giờ đã 70 tuổi. Điều khổ nhất là đã bước chân vào nghề này phải có sự hy sinh về nghề nghiệp”, bà Tuyết trải lòng.
Nghệ nhân Ánh Tuyết hướng dẫn học sinh lọc cá rô đồng.
Nhắc đến những bạn trẻ bây giờ hay những nàng dâu mới chật vật với mâm cỗ Tết về nhà chồng, bà Tuyết ánh mắt đượm buồn. Bà bảo, thời của bà được rèn rũa, vào bếp từ năm 9 tuổi nên khi về nhà chồng, mâm cỗ Tết là điều quá đỗi bình thường, bà không phải ngỡ ngàng với chúng.
“Nếp nhà như thế nào thì khi về nhà chồng đó là hành trang, tài liệu cho tôi. Tôi rất tự tin vì tôi có hành trang và tài liệu dư thừa không giống các bạn trẻ bây giờ. Đến giờ tôi vẫn giữ như vậy, cha truyền con nối theo truyền thống nên các con, các cháu tôi 9-10 tuổi đã vào bếp tráng trứng ngon, thái rau, hành chuẩn cho từng món xào, nấu,…”, bà Tuyết cho biết.
Mặc dù bận rộn hơn cả trong những ngày cuối năm nhưng bà vẫn không thể quên được những kỉ niệm trong đôi mắt trẻ thơ của mấy chục năm về trước khi gần Tết mẹ đưa đi ra chợ mua đồ khô, chọn bóng, nấm hương, măng, hay 30 Tết được Đài Truyền hình thực hiện cầu truyền hình chương trình ẩm thực từ Việt Nam sang Mỹ cho đồng bào Việt kiều xem, rồi những cuộc điện thoại của Kiều bào xúc động khóc, mong ước được trở về quê hương khi nhìn những món ăn bà làm.
Đó chính là niềm vui, sự hạnh phúc của bà khi gắn bó với nghề. Bà cùng ngôi nhà cổ kính ở Mã Mây sẽ cố gắng gìn giữ những nét đẹp món ăn truyền thống của Hà Nội giữa cuộc sống hiện đại, gấp gáp này.