Rượu cần, nét đặc trưng của Mai Châu - Hoà Bình. |
Cũng giống như nhiều dân tộc khác, người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) chỉ uống rượu cần trong những ngày lễ, ngày tết, hay khi có khách quý đến bản làng. Rượu cần uống càng đông người càng vui, càng say. Nó tạo sự la đà nhưng không dung tục, gây niềm hưng phấn tươi vui nhưng không thô lậu bét nhè...
Vò rượu cần thơm nức men lá rừng, ủ trong đất trăm ngày, đào lên, thành hũ còn nguyên đất cát của đồi núi như nhuộm chút hoang sơ mộc mạc. Trong ánh lửa bếp nhà sàn bập bùng ấm áp, đàn ông xếp bằng; đàn bà, thanh nữ nửa quỳ nửa ngồi, tà váy khép kín đáo, duyên dáng.
Vò rượu đặt giữa, nắp đã mở, những hạt trấu nằm chen nhau. Tùy theo số người mà có từng ấy chiếc "khòe" cắm vào miệng vò, cong vút ra bốn phía chung quanh như những cánh hoa cúc mọc từ đài hoa là chiếc vò thơm đê mê.
Cạnh vò là một chậu đồng đựng nước suối trong vắt. Chủ nhà, người cầm chịch cho một bữa (một đêm) rượu cần, một tay cầm chiếc sừng trâu hoặc sừng dê rỗng, thủng đáy để đong nước vào rượu, tay kia cầm gáo để múc nước từ chậu tiếp vào sừng.
Trước hết là điệu hát thay lời chúc khách quý đến bản mường mạnh khỏe, hạnh phúc. Giọng hát có lúc mênh mang như có hoa lau bay trong sương, có lúc dồn dập như vó ngựa xuống đèo. Vừa hát, vừa đong nước, tiếp nước vào vò rượu. Tốp khách nào uống không kịp, để rượu trào ra sẽ bị phạt bằng cách phải uống tiếp mấy "sừng" nữa trong tiếng vui cười của mọi người.
Các cần rượu (cái khòe) làm từ ống trúc rừng nhỏ tỏa đều, không được bắt chéo lên nhau, mỗi người vít lấy một khòe mà hút rượu, bao giờ người cầm chịch ra hiệu thôi mới được ngừng, không ai được bỏ nửa chừng, bỏ là sẽ bị phạt ngay.
Vò rượu cần càng về cuối càng nhạt độ rượu, nhưng lại càng tăng sự hào hứng bởi tiếng cười, tiếng hát, nhịp vỗ tay tán thưởng hoặc tiếng hò reo, phạt người hút rượu ít. Vò rượu cần làm chủ khách gần nhau, hòa vào nhau, nâng hồn nhau lên trong thân ái.