Dân tộc Tày sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, mỗi dịp lễ hội đều có các món ăn đặc trưng, như dịp Tết Nguyên Đán có bánh khảo, bánh bỏng, tết Đắp Nọi (tết hết tháng Giêng) có bánh dày, dịp Tết Thanh Minh có bánh trứng kiến, dịp Rằm tháng 7 âm lich có bánh chuối.... Các loại bánh kể trên, có thể làm vào mùa nào cũng được, duy chỉ có bánh trứng kiến chỉ có thể làm được vào tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Vì nguyên liệu độc đáo là trứng kiến chỉ có vào mùa này.
Trứng kiến có màu trắng sữa, lớn hơn hột gạo, thường chỉ có vào dịp tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Ảnh: T.T. |
Loại kiến để lấy trứng là kiến lành, làm tổ ở trên cây như cây xoan, cây quế, cây găng... Tùy vào kích thước của từng tổ mà số lượng trứng kiến nhiều hay ít, có tổ lấy được một bát, nhưng có tổ lớn lấy được ba, bốn bát. Trứng kiến lớn bằng hạt gạo, có màu trắng sữa, được mang về để chế biến thành nhân bánh. Một chiếc bánh ngon phải có nhân là trứng kiến nguyên chất, chỉ cần hành phi thêm chút mỡ và muối không trộn thêm các nguyên liệu khác. Tuy nhiên, trứng kiến ngày càng hạn chế nên bà con đã cho thêm thịt lợn băm nhỏ, hành khô, vừng hay lạc rang giã nhỏ làm nhân cùng với các gia vị khác tạo vị mặn cho bánh.
Trứng kiến được trộn với thịt bằm, lạc rang, vừng... để làm nhân bánh. Ảnh: T.T. |
Không sử dụng lá chuối hay lá dong, bánh trứng kiến chỉ sử dụng lá vả để gói bánh. Thường thì nên chọn những chiếc lá hơi già, nếu chọn lá non gói bánh, khi hấp bánh, sẽ làm cho lá bị nát. Gạo nếp sau khi ngâm được xay mịn, được đăng khô. Tiếp đến nhồi bột mịn, chia thành các phần đều nhau. Cho nhân trứng kiến vào giữa bánh, vo tròn lại để nhân bánh không bị chảy ra ngoài. Lá vả bỏ phần cuống và gân lá, gói bên ngoài bánh. Xếp bánh vào khay hấp, khoảng 30 – 45 phút là bánh chín.
Bánh được làm bằng bột nếp, gói trong lá vả và đem hấp chín. Ảnh: T.T. |
Một chiếc bánh trứng kiến ngon có các vị béo ngậy của trứng kiến, vị thơm của hành, vị bùi của lá vả. Tuy vậy, đây là một loại bánh rất khó ăn nên có một số người sẽ bị dị ứng nhẹ nếu không quen.
Thu Trang