1. Bánh bò dừa
Đây là thức quà vặt có nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam bộ, trên đường phố Sài Gòn, bánh bò dừa gắn liền với hình ảnh chiếc xe đẩy qua các con đường, góc phố trong buổi chiều tà. Bánh bò dừa gồm hai phần ghép vào nhau, ở giữa là phần nhân dừa xào. Nguyên liệu chính của vỏ bánh là bột mì, bột nổi, trứng gà được đánh tan vào nhau. Nhân bánh được làm từ dừa bào sợi xào với đường cát trắng và đậu xanh hấp chín. Múc một vá bột độ chừng muỗng canh đổ vào lòng khuôn, người bán cầm khuôn bánh lắc đều một vòng tròn cho bột tráng đáy không dồn cục.
Bánh bò dừa. |
Đặt khuôn bánh lên bếp than đậy nắp lại. Độ chừng 2 phút mở nắp kiểm tra, khi thấy lớp bột mỏng trên thành khuôn đã giòn rộp thì dùng lưỡi dao gỡ bánh. Chiếc bánh bò dừa có hình trụ nên sau khi đổ xong một nửa đầu tiên, người bán cạo hết những vết bột dính khuôn rồi dùng bơ hoặc dầu ăn chùi khuôn bánh để đổ tiếp nửa còn lại. Bánh bò dừa ngon là miếng bánh phải giòn nhưng lại dai. Đưa lên miệng cắn một miếng để cảm nhận được cái bánh vừa giòn, vừa dai, vị ngọt và béo của dừa đang hòa quyện vào nhau.
2. Gỏi củ hũ dừa
Món ăn được làm từ nguyên liệu rất đặc biệt của cây dừa, muốn làm món gỏi này người dân phải đốn bỏ luôn cả cây dừa. Củ hũ dừa chính là phần thân non, có màu trắng, nằm trên cùng của cây dừa. Theo kinh nghiệm của người dân thì cây dừa càng lâu năm, phần củ hũ này càng ngọt. Củ hũ sau khi lấy được thái thành từng lát vừa ăn.
gỏi củ hũ dừa tôm thịt. |
Cũng như các món gỏi phổ biến khác, nguyên liệu trộn chung với củ hũ dừa thường là tôm, thịt... các loại rau thơm, đậu phộng. Tôm, thịt được luộc chín, thái thành từng sợi nhỏ vừa ăn, trộn đều với củ hũ dừa, cho thêm ít nước mắm pha chua ngọt để món ăn đậm đà. Sau cùng, bạn trộn rau thơm, đậu phộng vào là hoàn thành. Trong những ngày trời nắng nóng, món gỏi củ hũ dừa ăn kèm với bánh tráng, chén nước chấm chua cay là món ăn ngon cho gia đình bạn.
3. Chè chuối nước cốt dừa
Không giống như các loại chè phổ biến khác, chè chuối nước cốt dừa ít xuất hiện hơn ở các quán chè nhưng ai đã lỡ thích món ăn này thì không thể quên hương vị của nó. Món ăn không quá cầu kỳ, chỉ là những lát chuối mỏng thơm nức mũi chua chua, ngọt ngọt, bùi ngậy hoà lẫn với vị béo của nước cốt dừa sóng sánh cộng thêm vào đó là độ dẻo quánh của những viên trân châu, có nhân dừa sần sật bên trong.
Chè chuối nước cốt dừa. |
Từng miếng chuối với vị dẻo ngọt đặc trưng thấm đẫm vị thơm, cái béo của nước cốt dừa hòa quyện cùng những hạt bột báng nhỏ li ti trơn tuột, như tan trong miệng tạo nên vị ngon đặc trưng của món chè chuối làm món ăn thêm hấp dẫn. Vào những ngày trở gió, cùng bạn bè thưởng thức bát chè chuối. Cảm nhận vị ngọt của chuối, vị béo pha chút mằn mặn của nước dừa, bùi bùi thơm thơm của lạc rang, vừa ăn vừa hàn huyên thì còn gì bằng.
4. Nước dừa vừa giải khát vừa để nấu món ăn
Trong những ngày nắng nóng thì nước dừa là thức uống giải khát được nhiều người ưa thích. Chỉ cần một trái dừa ướp lạnh, hay một ly dừa tắc bên xe đẩy ven đường là bạn có thể xua đi cái oi bức của trời Sài Gòn ngày hè.
Không chỉ vậy, nước dừa còn được dùng để nấu nhiều món ăn, như cá rô kho nước dừa, thịt kho nước dừa... Nước dừa ngọt thấm vào trong từng nguyên liệu, làm cho từng miếng thịt, con cá trở nên mềm nhưng không bở, khi ăn có vị ngọt thanh rất ngon.
Cá rô đồng kho nước dừa. |
Ngoài ra, ở xứ dừa Bến Tre, người dân ở đây thường nấu cơm (hoặc hấp) với nước dừa tươi để ăn cùng với tép rang nước cốt dừa béo ngậy. Đây là món ăn đặc biệt, thường chỉ làm trong những bữa cơm kỷ niệm của gia đình hay dùng để đãi khách phương xa.
Không chỉ vậy, cơm dừa còn là nguyên liệu để làm nên món kẹo dừa đặc sản Bến Tre, làm mứt dừa trong ngày Tết, làm nhân bánh ít hay nhân xôi ngọt... Đó đều là những món ăn ngon và rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta.
Khánh Hòa