BÁNH GIẦY GIÒ
Nguyên liệu:
- 200g bột gạo nếp (cho 6-8 cặp)
- 20g bột gạo tẻ; 200g sữa tươi không đường; 1 chút xíu muối; 200g giò lụa, hoặc chả
- Lá chuối tươi
Cách làm:
Lá chuối rửa sạch cắt thành miếng vuông 8×8 cm rồi phết chút dầu chống dính lên lá. Giò, chả cắt thành những lát mỏng. Cho bột nếp và bột tẻ, muối vào tô rồi trộn đều. Đổ sữa vào hỗn hợp bột rồi trộn thành khối mịn, khi bột không dính tay là được.
Chia bột thành 12 hoặc 16 phần bằng nhau, vo tròn và sau đó ấn cho viên bột dẹt ra và đặt bột lên lá chuối.
Bật bếp nồi hấp cho nước trong nồi sôi rồi xếp bánh vào và hấp khoảng 8 phút là bánh đã chín. Sau khi bánh đã chín, lấy bánh ra để nguội bớt rồi kẹp giò, chả vào là chúng ta đã hoàn thành rồi. Món bánh giầy giò thích hợp để ăn vào bữa sáng.
BÁNH CUỐN
Nguyên liệu:
- 150gr bột gạo; 100 gr bột năn; 850 ml nước; 3 muỗng canh dầu ăn; 1 muỗng cafe muối; 300g thịt bă; 3 miếng mộc nhĩ lớn; 1 quả chan; 1 nhánh tỏi; 1 quả ớt
- Nước lọc
- Hạt tiêu, muối, hạt nêm, mắm
Cách làm:
Ướp thịt với hành khô, 3 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm cho vừa. Mộc nhĩ ngâm với nước ấm trong khoảng 5-10 phút cho nở, sau đó rửa sạch, bỏ cuống rồi băm nhỏ.
Sau đó phi hành cho đến khi có mùi thơm rồi cho thịt và mộc nhĩ vào xào cùng. Nêm lại gia vị một lần nữa để thịt được săn và đậm đà. Rồi tắt bếp và để thịt ra ngoài cho nguội. Pha bột làm bánh cuốn theo công thức được ghi trên bao bì của bột bánh cuốn. Tuy nhiên, bạn có thể tự điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.
Dùng một cái chảo không dính để tráng bánh. Bạn có thể dùng giấy ăn để thấm một chút dầu, sau đó tráng quanh chảo để lúc tráng được dễ hơn.
Để một thìa canh bột vào chảo rồi lắc đều quanh chảo, sau đó đậy vung trong 15 giây để bột chín. Các bạn tráng bột càng mỏng thì bánh càng ngon. Cho nhân vào giữa bánh rồi cuốn lại.
Pha nước chấm bạn pha theo công thức: 1 thìa giấm gạo, 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 6-7 thìa nước.
BÁNH CUỐN HẤP NHÂN TÔM
Nguyên liệu:
- 70 gr bột gạo
- 25 gr bột bắp
- 2 nhánh hành lá thái nhỏ; 1 muỗng canh dầu; 1/2 muỗng cà phê muối; 260 ml nước lạnh; 300 gr tôm tươi luộc chín
- Pha nước tương (xì dầu): 2 muỗng canh xì dầu; 1 muỗng cà phê đường; 1 muỗng cà phê dấm; 2 muỗng canh nước lạnh; ½ muỗng cà phê dầu mè quậy đều cho tan đường.
Cách làm:
Cho bột gạo và bột bắp vào tô hoà tan, để 2 tiếng cho bột lắng xuống, chắt bỏ phần nước trong. Sau đó, đổ vào một lượng nước tương ứng với lượng nước đã đổ đi. Bây giờ bạn cho muối, dầu và hành lá vào hòa chung.
Bắc xửng lên bếp, đun sôi nước sau đó cho dĩa có đáy bằng hay khuôn lên xửng, đậy nắp lại. Hấp 2 phút cho khuôn hay dĩa nóng, thoa chút dầu vào khuôn.
Múc 1 muỗng bột đổ vào khuôn tráng đều, nếu bạn thích bánh cuốn có vỏ mỏng thì chỉ tráng một lớp bột mỏng thôi. Đậy nắp lại, hấp vài phút là bánh chín.
Lấy khuôn/ dĩa bánh ra, xếp tôm vào chờ bánh hơi nguội thì cuốn bánh lại.
Cứ tiếp tục làm như thế cho hết phần bột còn lại.
Trình bày: Cho bánh cuốn hấp nhân tôm ra dĩa kèm với chén nước chấm xì dầu. Bánh này ăn nóng rất ngon. Nếu bạn thích ăn cay thì dùng tương ớt hoặc ớt trái thái lát.
BÁNH GIẦY ĐỖ
Nguyên liệu:
- Phần nhân bánh: 150gr đỗ xanh không vỏ, 70gr đường, 1 thìa dầu ăn, 1 xíu nước, 1 xíu muối.
- Phần vỏ bánh: 200gr bột nếp, 10gr bột gạo, 1 xíu muối, 50gr đường, 1 thìa dầu ăn, 170ml nước ấm tầm 50-60 độ C.
Cách làm:
Đỗ xanh vo sạch sẽ rồi ngâm nước vài tiếng cho mềm, sau đó cho đỗ vào xửng hấp cho đỗ chín mềm là được.
Cho đỗ vào máy xay nhỏ hoặc cho vào cối giã cũng được. Lấy 1/3 lượng đỗ để riêng làm áo ngoài bánh. 2/3 lượng đỗ còn lại cho vào chảo cùng với xíu nước, muối, đường, dầu ăn, bật bếp xào sơ qua vài phút cho đỗ nhuyễn mịn khô ráo có thể viên thành viên tròn là được.
Đợi cho nhân nguội bớt mới lấy từng viên nhân vo tròn lại để riêng ra đĩa, sau đó bọc kín lại để nhân không bị khô, vậy là xong phần nhân.
Cho nước ấm, đường, muối vào tô to, khuấy cho tan hết đường rồi cho dầu ăn, bột nếp, bột gạo vào nhồi cho bột dẻo mịn không dính tay sau đó bọc kín lại để bột nghỉ 20 phút.
Mang bột ra chia thành từng viên to hoặc nhỏ tùy ý. Ấn dẹt miếng bột cho nhân đỗ xanh vào rồi túm mép lại, vo tròn cho kín sao cho nhân không hở ra nhé. Lần lượt làm cho hết chỗ vỏ và nhân còn lại.
Đun 1 nồi nước sôi rồi cho 1 xíu dầu ăn vào để khi luộc bánh không bị dính vào nhau, nước sôi thì thả từng chiếc bánh vào luộc vài phút bánh nổi lên bạn luộc thêm 1 phút nữa mới vớt bánh ra cho nguội bớt.
Bạn cũng có thể cho bánh vào lá chuối gói lại rồi cho vào xửng hấp chín.
Lấy từng chiếc bánh đã luộc chín cho vào đĩa đỗ xanh xay nhỏ để lại khi nãy, lăn qua lăn lại cho bánh bám đều 1 lớp giầy đỗ xanh bên ngoài là xong rồi.
BÚN ỐC NGUỘI
Nguyên liệu:
- Ốc nhồi
- Xương đuôi lợn (để ninh lấy nước ngọt)
- Bún vẩy ốc hoặc bún hến
- Hành khô, tỏi, ớt bột, dầu ăn, bột canh
- Dấm bỗng
- Rau sống ăn kèm
Cách làm:
Ninh xương để lấy nước, trước khi ninh thì luộc và rửa sạch xương để loại bỏ bọt bẩn.
Ốc nhồi cho vào nồi hấp cùng vài cái lá chanh, chế một chút dấm bỗng vào nước hấp ốc, sau đó, nước này sẽ dùng để pha nước chấm ốc luôn..
Chưng ớt: Cho dầu vào chảo nóng, phi thơm hành tỏi và cho ớt bột vào rồi tắt bếp ngay.
Ốc nhồi sau khi hấp thì khều lấy thịt ốc và rửa sạch lại.
Pha nước ốc: Nước hấp ốc 400ml pha vào với nước xương 200ml, cho thêm dấm bỗng, 2 thìa bột canh. Khi ăn, thả ốc luộc vào bát nước chấm rồi chấm bún ăn. Món ăn vốn của những lúc giao mùa nhưng thưởng thức lúc nào cũng thấy hấp dẫn!
BÁNH MÌ CUỘN RUỐC
Nguyên liệu:
- 185 gr bột mì
- 2 lá rong biển; 2 nhánh hành lá thái nhỏ
- 25 gr bơ để nhiệt độ phòng; 4 gr men; 1 trứng gà
- 30 gr đường; 100 ml nước ấm; 1 chút xíu muối
- Ruốc; mayonnaise
Cách làm:
Bột mì, men muối, đường cho vào âu trộn trước. Sau đó cho trứng gà vào nhồi sơ. Tiếp theo cho nước ấm vào nhồi chung 10 phút. Cuối cùng cho bơ vào nhồi cho bột mịn không dính tay là được. Lấy khăn nhúng nước ấm vắt khô phủ lên miệng âu bột ủ 45 phút cho bột nở gấp đôi.
Qua thời gian ủ bột, bột cũng đã nở, lấy ra nhồi sơ lại. Sau đó cán bột mỏng, cho lên khay có lót giấy nến. Lấy khăn phủ bột ủ 20 phút.
Qua 20 phút, lấy khăn ra, dùng nĩa châm lên mặt bột. Sau đó rắc hành lá lên cùng với ít mayonnaise.
Lò nướng bật trước 15 phút ở nhiệt độ180 độ C. Sau đó cho khay bánh vào nướng 12-15 phút là bánh chín. Lấy khay bánh ra, cho lá rong biển vào mặt trong, rồi nhanh tay cuộn tròn lại khi bánh mì còn nóng.
Cắt bánh mì cuộn ruốc kiểu Hồng Kông thành từng phần, trét mayonnaise 2 bên đầu trước khi cho ruốc.