Bánh khọt là món ăn tương đối phổ biến ở phía Nam và có nhiều biến thể khác nhau tùy từng địa phương. Công thức làm bánh của người Cần Thơ như sau:
Nguyên liệu
Khuôn bánh khọt.
Bột gạo: 1 kg + bột nghệ. Có thể mua gói bột bánh xèo bán sẵn - đã pha sẵn bột nghệ, nếu muốn bánh vàng hơn thì cho thêm 1/2 thìa cà phê bột nghệ.
Thịt nạc dăm băm 400 gr, tôm tươi 300 gr, trứng vịt 3 quả.
Dừa nạo 500 gr, đậu xanh hột 300 gr, cà rốt - củ cải trắng: mỗi loại 1 củ nhỏ.
Hành lá, hành tây, hành tím. Tiêu, đường, muối, bột ngọt. Chanh, ớt, nước mắm, rau sống (cải xanh, xà lách, rau sống, rau thơm các loại).
Sơ chế
Khuôn bánh khọt nếu mới mua về thì nên xử lý qua bằng cách cho khuôn lên bếp để nóng, thoa dầu ăn xung quanh khuôn liên tục 5-10 phút, nhờ thế khi đổ bột bánh thì bột sẽ không bị dính trong khuôn. Sử dụng ít vải mùng quấn quanh chiếc đũa dùng để thoa dầu ăn mỗi khi đổ bánh.
Xử lý khuôn trước khi làm bánh. |
500gr dừa nạo vắt lấy nước cốt 500 ml (1/5 cho vào hỗn hợp nhân, 4/5 còn lại cho vào bột bánh). Tôm tươi làm sạch cắt hạt lựu hoặc khoanh tròn.
Cà rốt và củ cải trắng cắt sợi mỏng, bóp với ít muối, rửa sạch, vắt cho ráo. Đậu xanh để vỏ hay bỏ vỏ tùy ý thích, đem luộc vừa chín. Hành tây cắt hạt lưu. Hành tím thái mỏng. Hành lá xắt khúc nửa phân.
Chế biến
Trộn bột bánh xèo, bột nghệ, hành lá, trứng vịt lấy cả lòng trắng, đỏ và nước cốt dừa trong nước ấm. Quậy đều tay cho bột không bị vón cục, cho thêm chút muối vào. Để bột nghỉ khoảng 15-30 phút. Bột bánh xèo khi pha theo công thức ghi trên bao bì, bạn có thể bớt lại một chút nước, vì trong lúc pha bột sẽ còn có thêm nước cốt dừa. Ngoài ra, để bánh có độ giòn thì nên cho 1-2 viên đá vào, khi đổ bánh sẽ giòn.
Bắc chảo lên bếp cho dầu ăn vào đun nóng, phi hành thơm sau đó cho thịt nạc dăm, tôm tươi, đậu xanh luộc vừa chín, hành tây vào xào chung sơ qua, nêm nếm vừa ăn, cho ra tô, sau đó cho 1/5 nước cốt dừa còn lại vào trộn chung thật đều. Hỗn hợp nhân đã xong.
Xào nhân bánh. |
Để khuôn bánh lên bếp và cho dầu ăn (mỡ) vào tráng từng khuôn, đổ bột bánh vào khuôn, cho một ít hỗn hợp nhân vào giữa, đậy nắp vung lại cho bánh chín là lấy ra.
Khi bánh chín, bột trở nên vàng đục, còn nhân màu nâu đỏ, lá hành trong mỡ dầu bám vào tạo màu xanh.. Bánh chín cho ra đĩa thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt, rau sống và đồ chua rất ngon.
Thưởng thức cùng nước mắm chua ngọt và rau sống. |
Bài và ảnh: Phương Loan