Lòng lợn là món ăn khoái khẩu của đa số người Việt. Thay vì mua sẵn ngoài hàng không đảm bảo vệ sinh, nhiều người lựa chọn mua về tự chế biến. Thế nhưng, dù đã sơ chế rất kỹ càng nhưng lòng vẫn có mùi hôi, tanh khó chịu, không được trắng giòn như ngoài quán.
Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Theo các đầu bếp, lòng lợn là nguyên liệu rất khó làm sạch. Nếu không sơ chế đúng cách thì không loại bỏ hết được cặn bẩn và mùi hôi đặc trưng.
Có rất nhiều mẹo làm sạch lòng lợn đơn giản với các nguyên liệu dễ kiếm trong nhà bếp. Dưới đây là cách làm sạch lòng lợn đơn giản bạn có thể tham khảo.
Bước 1:
- Lòng non bạn nên chọn loại có màu hồng, khi sờ vào có cảm giác dày dặn, đó là lòng ngon.
- Bạn rửa lòng lợn qua với nước rồi lấy hết những chất bẩn bên trong.
- Cho lòng vào bát đựng lòng non 1 thìa muối và bóp kỹ để loại bỏ hoàn toàn cặn bẩn.
Bước 2:
- Dùng dao hoặc kéo cắt bỏ phần mỡ thừa ở trên bề mặt của lòng non.
- Lưu ý, không cắt hết mà chừa lại 1 ít ở sát lòng như thế khi chế biến xong lòng không bị khô mà vẫn giữ được vị béo ngậy.
Bước 3:
- Cho vào bát lòng lợn đã sơ chế 1 thìa bột khoai lang hoặc bột mì đều được.
- Dùng tay bóp lòng lợn khoảng 3 phút thì đem rửa lại với nước sạch.
Bước 4:
- Đổ vào đây 1/2 lon coca và dùng tay bóp lòng non 1 lần nữa trong thời gian 3 phút.
- Rửa lòng với nước cho thật sạch.
Bước 5:
- Dùng đũa nhồi 1 đầu lòng non vào bên trong để lộn hẳn mặt trong ra ngoài.
- Rửa với nước khoảng 2 lần sau đó cho bột khoai lang vào bóp thật kỹ rồi rửa sạch. Cuối cùng là cho phần coca còn lại vào làm sạch tương tự như bước 3.
Bước 6:
- Dùng đũa lộn lại lòng non như ban đầu sau đó rửa thêm lần nữa là bạn đã có một cỗ lòng sạch từ trong ra ngoài và không còn mùi hôi.
Sau khi đã làm sạch lòng non, giờ đây bạn có thể bắt tay vào chế biến một món ngon mà mình yêu thích rồi. Tham khảo một món ngon từ lòng lợn kết hợp với dưa chua mà Bếp Eva giới thiệu ngay dưới đây nhé.
Nguyên liệu- Lòng non: 400g
- Dưa chua: 500g
- Cà chua: 2 quả
- Hành tím, tỏi
- Hành lá
- Gừng
- Muối: 1 thìa
- Giấm ăn: 2 thìa
- Bột mì: 1 thìa
- Dầu ăn
- Gia vị: Nước mắm, muối, hạt tiêu, bột canh, mì chính
Cách làm lòng xào dưa Bước 1: Làm sạch lòng non- Cho lòng non vào 1 chiếc chậu nhỏ rồi thêm bột mì cùng 1 thìa muối ăn. Dùng tay bóp đều cho bột mì thấm hết chất nhờn bẩn trên bề mặt lòng.
- Đem lòng non đi rửa sạch với nước sau đó thêm vào đây 1 chút giấm ăn. Tiếp tục bóp cho lòng hết nhờn và mùi hôi thì dừng lại.
- Rửa lòng với nước cho sạch.
Bước 2: Chần lòng- Bắc 1 nồi nước sạch, đun sôi rồi thả lòng non vào chần sơ.
- Vớt lòng ra bát nước lạnh ngâm cho lòng không bị đen thâm.
- Thái lòng non thành từng miếng vừa ăn.
Bước 3: Sơ chế rau củ- Hành tím, tỏi băm nhỏ.
- Cà chua thái múi cau.
- Hành lá cắt khúc.
Bước 4: Xào lòng- Bắc chảo lên bếp, thêm dầu ăn vào đun nóng thì trút hành tỏi băm vào phi thơm.
- Khi hành tỏi vàng, bạn cho lòng non vào xào chung, nêm thêm 1 chút bột canh cho lòng đậm vị.
Bước 5: Xào dưa- Cho vào chảo vừa xào lòng 1 chút dầu ăn, phi nốt chỗ hành, tỏi băm sau đó thêm cà chua đảo chín.
- Trút dưa chua vào xào cho tới khi dưa săn lại. Vì dưa muối thường đã đậm đà nên bạn chỉ nên cho thêm 1 chút gia vị cho vừa miệng.
- Khi dưa chín, bạn trút phần lòng non xào ở bước 4 vào đảo chung.
Bước 6: Hoàn thành- Lòng xào lâu sẽ bị dai nên bạn chỉ đảo qua vài lượt là có thể tắt bếp.
- Rắc thêm hành lá cắt khúc, 1 chút hạt tiêu rồi cho phần lòng xào dưa ra đĩa.
Món lòng xào xưa đậm đà, thơm ngon. Lòng non dai giòn sần sật, dưa chua thấm đẫm gia vị béo ngậy ăn với cơm nóng hoặc dùng làm mồi nhậu đều cực kỳ hợp.
Lưu ý, để có món lòng xào dưa ngon, bạn nhớ chọn lựa lòng cẩn thận để tránh mua phải lòng đắng. Quá trình sơ chế lòng cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tránh lòng còn hôi, tanh làm ảnh hưởng đến hương vị của món ăn.