Người Việt có câu "cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng", ý chỉ đây là ngày lễ quan trọng trong năm mà các gia đình không thể bỏ qua. Rằm tháng Giêng hay còn được biết đến với tên gọi là Tết Nguyên tiêu. Vào ngày này, các gia đình sẽ sắm sửa mâm lễ cúng rằm tháng Giêng để dâng lên trời đất, gia tiên cầu may mắn, bình an, mưa thuận gió hòa.
Theo phong tục truyền thống, mâm lễ cúng ngày Tết Nguyên tiêu sẽ có 2 loại là mâm cỗ mặn để cúng gia tiên và mâm cỗ chay để dâng cúng Phật.
Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng dâng PhậtĐối với mâm lễ cúng dâng Phật ngày rằm tháng Giêng, gia chủ không cần chuẩn bị quá cầu kỳ. Trên mâm lễ chỉ cần sắm hoa tươi, trái cây, lá trầu, quả cau cùng một bình rượu trắng. Tùy vào từng vùng miền mà cách sắm sửa lễ vật sẽ có sự khác biệt.
Ví dụ, trái cây trên mâm lễ cúng rằm tháng Giêng dâng Phật của người miền Nam sẽ không dùng chuối thay vào đó là dừa, mãng cầu, xoài, sung, dưa hấu... Những loại quả này đều mang ý nghĩa cầu may mắn, sung túc.
Ngược lại, với mâm lễ của người miền Bắc thì trái cây thường sẽ có chuối tiêu với nải to, quả dài, dáng khom đẹp để ôm trọn được các loại quả khác khi bày lên mâm cỗ. Ngoài ra, người ta cũng chuẩn bị thêm lê, táo, bưởi, cam quýt hoặc hồng, thanh long...
Về hoa tươi, ngoài hoa cúc vàng, nhiều nơi cũng sử dụng hoa lay ơn, huệ trắng hoặc hoa hồng. Riêng với hoa ly còn có nhiều quan điểm, một số nơi cho rằng tên của loài hoa này là sự ly tán, ly biệt, ngoài ra nó cũng có mùi hương nồng nên không được lựa chọn dâng cúng. Tuy nhiên, cũng có vùng vẫn trưng bày hoa ly trên bàn thờ giống như các loại hoa cúc, hoa huệ thông thường.
Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng bàn thờ gia tiênTương tự như các mâm lễ cúng ngày Tết nguyên đán hay những ngày trọng đại khác, mâm lễ cúng rằm tháng Giêng cho ban thờ gia tiên sẽ có đủ các món: Xôi, canh, rau củ, đĩa xào, giò lụa,... Tùy vào từng gia đình, địa phương mà mâm cỗ sẽ có các món khác nhau.
Các chuyên gia cũng cho rằng, rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng, tuy nhiên gia chủ không nên quá bày vẽ mà cần tùy lòng thành mà sắm lễ. Với gia đình nhỏ, ít người cần cân đối các món dâng cúng, tránh làm quá nhiều sẽ gây lãng phí.
Một số món ăn có trong mâm lễ cúng rằm tháng Giêng như:
- Thịt gà luộc.
- Xôi gấc/xôi đỗ hoặc bánh chưng.
- Canh măng ninh xương/canh bóng bì (người Hà Nội).
- Xào thập cẩm.
- Nem rán.
- Giò lụa.
Người miền Nam cũng chuẩn bị thêm canh khổ qua, thịt kho tàu, gỏi,... Bên cạnh các món ăn thì mâm lễ dâng cúng cũng cần có thêm hương, hoa tươi, vàng mã, đèn dầu/nến, trầu, cau và rượu trắng.
Năm nay, rằm tháng Giêng rơi vào ngày 24/2/2024 tức thứ Bảy. Vì vào ngày cuối tuần nên các gia đình có thể chuẩn bị lễ cúng tươm tất và dâng lên đúng ngày mà không cần làm trước. Mong rằng, qua bài viết về cách chuẩn bị mâm lễ cúng rằm tháng Giêng mà Eva vừa chia sẻ, bạn sẽ có một mâm cỗ đủ đầy để dâng cúng Phật và gia tiên hoàn mỹ nhất.