Trước đây dọc trên vùng cao Tây Bắc đâu đâu cũng thấy măng đắng, chỉ cần ra ngõ là đã có măng mang về. Nhưng ngày nay bà con phải vào tận rừng sâu mới tìm được. Theo kinh nghiệm của đồng bào Tây Bắc thì măng đắng đầu mùa có vị ngọt xen lẫn vị đắng nhưng hễ có tiếng sấm là măng bị đắng nhanh chóng.
Người già trong bản vẫn kể cho con cháu nghe câu chuyện về tình yêu của một chàng trai người Thái tên Khôm (tức là đắng) và cô gái tên Bók (tức Hoa), con thống lý giàu sang. Tình yêu của đôi trai tài, gái sắc bị ngăn cản. Trên đường chạy trốn họ bị chết. Từ nấm mồ của hai người mọc lên một cây vầu có vị đắng.
Măng đắng dễ dàng chế biến thành các món ăn lạ miệng. Ảnh: Báo Hòa Bình. |
Măng đắng hầu như có quanh năm nhưng mọc nhiều nhất vào mùa mưa. Măng hái từ rừng, đem bỏ bẹ, thái nhỏ tùy theo ý thích, rồi cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng. Sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến được.
Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt cũng dễ khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba. Những người "sành ăn" thích cái vị đắng, chát thì có thể để nguyên măng tươi đem nướng.
Người thành thị còn chế biến măng đắng thành nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn hoặc nấu cá. Mỗi món một vị nhưng dù chế biến thế nào vẫn không lẫn đi đâu được vị ngọt đắng của cây măng rừng ấy.
Khi ăn vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được cái cảm giác đắng chát cứ mất dần sau mỗi lần nhai. Thay vào đó là cảm giác thoang thoảng ngọt, nhẹ nhẹ cay, rất lạ, lại rất giòn. Ăn quen mà đến bữa không có lại cảm thấy nhạt nhẽo, chẳng khác gì người Miền Nam nhớ vị cay của ớt.
(Theo Báo Hòa Bình)