Tất cả đã tạo nên một hương vị khó quên của tô mì Quảng với tôi, một người Đà Nẵng, trong lần đi thực tế tại Quảng Nam do nhà trường tổ chức. Cách chế biến món mì này cũng khá đơn giản, tuy nhiên nó đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế ở đôi tay của các bà nội trợ.
Mì Quảng có nhiều loại, nào là mì gà, mì tôm, mì trứng, mì thịt, hay mì cá lóc... Nhưng cho dù là loại gì thì mì Quảng vẫn giữ được hương vị đặc trưng của nó.
Trước tiên chúng ta phải chọn loại gạo thơm, dẻo đem vo sạch rồi ngâm trong nước ấm khoảng 30 phút. Sau đó vớt gạo ra bỏ vào cối đá xay thật mịn rồi tráng thành từng lớp bánh mỏng, mềm mướt, trắng nõn trông thật thích mắt.
Nước dùng được hầm từ xương (hầm khoảng 2 - 3 tiếng cho tới khi xương nhừ là được), đó phải là thứ nước trong nhưng đồng thời phải đảm bảo độ béo và ngọt.
Mì Quảng được ăn kèm cùng các loại rau sống như bắp chuối non, giá, hành ngò, rau quế. Phía trên tô mì được rắc một nhúm đậu phộng vàng giòn càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn.
Đặc biệt ăn mì Quảng không thể thiếu bánh tráng (bánh đa) vì nó làm tăng thêm cái ý vị. Bánh tráng có vị giòn và thơm của gạo mang lại cho người thưởng thức cảm giác ngon miệng mà không bị ớn. Và còn một điều lưu ý nữa là không giống như phở hay bún phải chan nhiều nước, mì Quảng chỉ cần chan thiêm thiếp thôi.
Nhìn tô mì bốc khói nghi ngút cùng những chú tôm đỏ mọng, màu tươi mát của các loại rau, điểm một chút màu vàng của đậu phộng đã đánh thức các giác quan, mang lại cảm giác thèm ăn trong ta. Mì Quảng phải ăn lúc nóng thì mới giữ đúng hương vị của nó.
Dường như mì Quảng luôn có mặt trong bữa ăn của người dân nơi đây như là một thói quen, như một thứ đặc sản dùng để tiếp khách, chiêu đãi bạn bè cũng như trong những dịp cưới xin, ăn hỏi, ... Hơn nữa giá cả cũng phải chăng (từ 7 đến 15 nghìn) nên cũng vì thế mà du khách mỗi dịp tới đây đều chọn mì Quảng như là món ăn khoái khẩu, như một nét hấp dẫn riêng níu chân du khách.
Bài và ảnh Nguyễn Thị Lê Dung
Mời độc giả chia sẻ món ngon quê nhà về doisong@vnexpress.net