Cuộc sống hối hả, bận rộn khiến nhiều gia đình không thể quây quần bên nhau gói bánh chưng như trước đây. Thay vì chuẩn bị đồ gói bánh với nhiều công đoạn, người ta chọn cách mua sẵn tại các cơ sở làm bánh chưng chuyên nghiệp.
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. (Ảnh: Vũ Ngọc)
Bánh mua sẵn vừa vuông vắn, màu xanh mướt mắt mà không phải mất công gói, luộc tốn thời gian. Hơn thế, giá thành của một chiếc bánh chưng cũng chỉ dao động từ 50.000đ - 200.000đ/chiếc.
Tiện lợi là vậy nhưng bánh chưng mua sẵn cũng tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại, trong đó có việc các cơ sở làm bánh thêm pin vào nồi luộc.
Theo các chuyên gia, khi cho pin vào nồi bánh chưng sẽ tạo ra môi trường kiềm. Từ đó bánh luộc lên sẽ có màu xanh đẹp mắt hơn. Đồng thời, nó cũng giúp bánh nhanh chín hơn so với cách luộc thông thường.
Vậy bánh chưng luộc bằng pin có hại không? Làm cách nào để biết đâu là bánh luộc pin đâu là bánh thường? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin hữu ích.
Bánh chưng luộc pin có hại không?Là “trợ thủ” đắc lực giúp bánh chưng có màu xanh mướt mắt đồng thời rút ngắn thời gian luộc thế nhưng pin bị liệt vào danh sách đen bởi những mối nguy hại mà nó đem đến với sức khỏe.
Theo các chuyên gia, pin là một trong những sản phẩm độc hại. Trong nó có chứa hàm lượng lớn các kim loại nặng như: Thủy ngân, chì, cadmium… Nếu nạp vào các chất này, cơ thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, nhất là não, gan cùng hệ thống tiêu hóa.
Một vài nghiên cứu cũng cho thấy, chì trong pin có thể gây nhiễm độc thai nhi, gây sảy thai ở bà bầu. Thậm chí, nó còn ảnh hưởng tới khả năng sinh sản.
Vì thế, khi luộc bánh chưng bằng pin, các hóa chất trong pin sẽ bị thôi ra và ngấm vào từng miếng bánh. Khi bạn ăn, chúng sẽ theo bánh vào trong cơ thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe.
Làm thế nào để nhận biết bánh chưng luộc bằng pin?Thông thường, một chiếc bánh chưng luộc bằng pin sẽ có những đặc điểm cơ bản sau:
Quan sát phần lá bánhKhi mua bánh chưng hãy quan sát phần lá bánh đầu tiên. Nếu thấy những đặc điểm sau thì rất có thể bánh luộc bằng pin, bạn không nên mua.
- Lá bánh có màu xanh mướt không tự nhiên. Thường thời gian luộc bánh kéo dài từ 8 - 12 tiếng, do đó lá dong sẽ có xu hướng ngả sang màu vàng thay vì xanh tươi.
- Xuất hiện một vài vết đen trên bề mặt bánh.
- Cầm bánh trên tay có cảm giác mềm, không chắc chắn.
Chú ý phần vỏ bánh chưngQuan sát phần vỏ của bánh chưng, những chiếc bánh luộc bằng pin hạt nếp rất trong và màu xanh nịnh mắt. Ngược lại, bánh luộc kiểu truyền thống hạt nếp có màu xanh hơi ngả sang vàng.
Kiểm tra nhân bánhCho pin vào nồi luộc sẽ giúp bánh nhanh chín hơn, điều này cũng khiến cho nhân bánh bị “chín ép”. Khi ăn, bạn không cảm nhận được độ dẻo, thơm như bình thường.
Ngoài các cách nhận biết mà Bếp Eva vừa chia sẻ, bạn cũng nên chọn mua bánh chưng tại các cơ sở uy tín để đảm bảo vừa có bánh ngon lại an toàn cho sức khỏe.
Mẹo luộc bánh chưng nhanh chín, xanh mướtVới các gia đình tự gói bánh chưng ở nhà, để bánh có màu xanh đẹp mắt lại nhanh chín bạn có thể áp dụng một vài mẹo nhỏ sau:
- Dùng nồi tôn luộc bánh. Loại nồi này sẽ tạo ra môi trường kiềm tự nhiên giúp bánh có màu xanh đẹp mắt mà không phải sử dụng tới pin.
- Nên ngâm gạo trong nước tro để giúp hạt gạo nếp trong và có màu đẹp hơn so với ngâm bằng nước thông thường.
- Giã lá riềng lấy nước rồi trộn cùng với gạo nếp. Màu xanh của lá riềng sẽ giúp bánh chưng của bạn có màu cực kỳ đẹp và ưng mắt.
- Để bánh nhanh chín, bạn nên cho 1 chút nước cốt chanh vào trong gạo nếp. Loại nước này sẽ tăng độ kiềm giúp rút ngắn thời gian luộc bánh hơn.
- Cho 1 - 2 thìa baking soda (hay còn gọi là muối nở, thuốc tiêu mặn) vào nồi luộc bánh chưng. Cách này vừa giúp bánh nhanh chín, màu xanh mướt mà không hại sức khỏe.
- Xếp lá dong bên dưới đáy nồi, vừa giữ cho bánh không bị cháy lại đảm bảo màu sắc của bánh sau khi luộc.