Ảnh: Văn hóa nghệ thuật ăn uống |
Để làm món nem nướng này phải chọn thịt heo nạc vừa mới, thịt hãy còn bốc hơi nóng. Thịt thấm sạch máu bằng khăn the hoặc giấy xốp, rồi lạng bỏ gân. Dùng que nhỏ, nhọn xăm đều miếng thịt để máu tươm ra, thấm khăn the lượt nữa cho thật sạch máu rồi sau đó xắt lát mỏng ướp với tỏi nướng vàng, tỏi tươi băm nhỏ, nước mắm ngon cô đặc, ít muối, bột nêm... Khoảng nửa giờ sau, khi gia vị đã thấm đều, cho tất cả thịt vào cối quết, cho thêm chút đường và tiêu xay. Khi thịt quết đã dẻo, chuyển sang mầu trắng, viên tròn vừa ăn rồi xiên vào que, đem nướng trên lửa than cháy dịu đến khi thịt chín vàng đều thì thoa thêm ít mỡ hành phi thơm.
Cũng như một vài món ăn khác, người phương Nam ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Món nem nướng Cái Răng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, khế... (khác với món nem nướng ở Huế, nếu đúng mùa, người ta sẽ dùng thêm trái vả sống cắt mỏng có vị chát nhẹ để ăn kèm các loại rau khác mà trong đó loại lá có mùi nồng cay hay gọi là rau thơm sẽ làm thực khách ăn mải mê mà không thấy ngán. Trong khi đó từ Nha Trang vào đến TP HCM người ta lại hay dùng lá xoài non và lá he) và nó lại càng cần một món ăn kèm khác là bánh hỏi.
Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem, gói thật điệu nghệ sao cho cả nem nướng, rau thơm, xà lách, dưa leo, dưa chua, bánh hỏi nằm đều, suôn, thon vừa, gọn thành một cuốn bánh trông đẹp mắt. Cuốn bánh này chấm với nước mắm tỏi chanh đường (nếm hơi ngọt). Về sau, người ta ưa dùng tương xay thay cho loại nước chấm truyền thống này. Cũng như nước mắm chanh đường, tương xay cũng có độ ngọt sẵn. Người ta sẽ cho thêm ít nước cốt dừa vào tương xay nhuyễn, đun lên, khi ăn cho thêm ít ớt trái đỏ bằm nhuyễn.
Cùng với hương vị tuyệt vời của món nem nướng Cái Răng, người ta còn có thể dùng kèm với dưa sả. Những lát sả gốc làm dưa tuy tầm thường nhưng quả thật tuyệt vô cùng. Nó vừa ngọt vừa chua dịu lại thơm thơm mùi tinh dầu, chỉ ăn chơi thôi cũng đã thấy ngon lành lắm rồi.
(Theo Văn Hóa Nghệ Thuật Ăn Uống)