Thường thì trong bầy chọn một hai con mông nở, chân thon, háu ăn nhất. Lợn được nuôi bằng rau, cám gạo. Lợn nuôi trên mười tháng hoặc hơn năm nhưng chỉ đạt ba bốn mươi cân là vừa. Vậy mới nạc, mới ngon. Nuôi lợn Tết khác với nuôi vỗ béo để cân cho hàng thịt. Vào cỡ khoảng tháng mười, mười một, người ta đã rủ nhau "ăn đụng" thịt.
Sau khi đã đủ người "ăn đụng", người ta thống nhất với nhau ngày mổ lợn. Thường thì giáp Tết, khoảng hai tám, hai chín, hoặc ba mươi. Chủ lợn là người cẩn thận thì chọn cả giờ... hợp. Hôm mổ lợn, những người tham gia "ăn đụng" đến nhà chủ lợn. Người thì chuẩn bị dao thớt, cân; người đun nước sôi; người thì vào chuồng trói lợn, bỏ lên miếng ván khiêng ra thềm giếng chọc tiết. Không khí rộn ràng, nhộn nhịp. Lợn làm xong, phần đầu để riêng cho chủ lợn luộc cúng. Trên chiếc nong phủ lá chuối xanh, các phần thịt, xương được một người khéo tay pha ra thành các phần đều nhau theo số người và tỷ lệ "ăn đụng". Ai nhận phần nấy. Tiền bạc trả cho chủ lợn cũng không phải vội theo kiểu "tiền trao cháo múc" như mua ngoài chợ. Bởi vì những người "ăn đụng" đều là anh em, bà con xóm giềng, có thì trả, chưa có thì cứ để thong thả ra Giêng. Cũng có khi trả bằng tiền, cũng có khi đổi bằng gà, vịt, thóc, gạo tùy thỏa thuận. Cái chính là tình cảm xóm giềng, họ mạc, là sự hỗ trợ nhau cùng vui vẻ đón Tết.
Ngày nay, điều kiện sống khá hơn trước rất nhiều. Chợ búa khắp nơi, họp cả ngày lẫn đêm, hàng hóa thông thương nhiều hơn, phong phú hơn. Song, ngày Tết, người dân thôn quê vẫn thích "ăn đụng". Người thì bảo nó tiện lợi với người nhà quê. Người thì bảo thích cái không khí rộn ràng, vui vẻ, chan hòa với hàng xóm. Thẳm sâu nữa là sự kết gắn, tương hỗ giữa bà con, anh em họ mạc, xóm giềng, cùng chung vui với nhau mỗi khi Tết đến, xuân về. Năm nào cũng vậy, ra Giêng lại chọn trong bầy vài con ưng ý, gần đến Tết lại ngồi chuyện vãn, hỏi thăm nhau, giáp Tết lại rủ nhau cùng ngả lợn, chia phần, tiếng cười nói rộn ràng thôn xóm, tình cảm anh em, bà con xóm giềng như bát nước đầy. Có thể xem việc "ăn đụng" thịt ngày Tết là nét văn hóa đẹp trong đời sống cộng đồng.
(Theo Văn Hoá Nghệ Thuật Ăn Uống)