Món bánh lót được chế biến đơn giản nhưng vị ngọt quê hương vẫn rất đậm đà, chỉ cần ngửi mùi thơm trong từng miếng bánh thì ai cũng cảm nhận được vị riêng ấy.
Làm bánh lót cần phải chọn lựa loại gạo nếp nương hạt tròn, bóng và quan trọng là phải dẻo thơm. Đem xay bột khô rồi pha với một lượng nước đun sôi để nguội vừa phải, nhào cho thật đều đến khi bột không còn dính vào thành bát mới được. Càng nhào bột nhiều lần thì bột sẽ mịn hơn, nhuyễn hơn lúc nặn bánh cho thêm ít bột gạo tẻ để đỡ dính tay và tạo độ giòn xốp cho vỏ khi rán.
Nhân bột được chọn từ những hạt đỗ xanh ngon. Đỗ xanh ngâm nước vài tiếng cho nở, sau đó khéo léo sàng lọc để tách hết vỏ. Để cho nhân bánh ngon hơn thì người làm bánh đem đỗ xanh đi hấp chín bông, giã mịn, vo tròn thành từng viên nhỏ.
Đem bột vừa nhào nặn thành vỏ bánh, bọc lấy nhân đỗ rồi thả vào chảo mỡ đang sôi lăn tăn. Điều đặc biệt tạo nên thương hiệu riêng cho bánh lót chính là thứ mỡ trong veo và thơm tự nhiên được chiết xuất từ quả sở. Hơn nữa bánh lót của người Mường nơi đây không sử dụng bột nở nên bột bánh dẻo hơn.
Phải đảo đều tay cho đến khi bánh chuyển sang màu vàng rộm, vỏ bánh căng, nở đều mà không dính vào nhau thì vớt ra thấm dầu giúp lúc ăn không ngán. Đợi bánh nguội đem trùng với mật mía đã được nấu chín. Người lăn bánh cần tinh tế sao cho một lớp mật mỏng phủ đều lên vỏ bánh mà mật vẫn giữ được màu vàng nhẹ, bóng bẩy tự nhiên.
Những chiếc bánh thơm lừng, ngọt ngào được bày trên đĩa khiến mọi người quên cả thời tiết sụt sùi mà tập trung thưởng thức một món ngon thú vị chỉ có ở miền quê nông thôn. Cảm giác vị ngọt của mật thấm vào đầu lưỡi sau đó tan chảy trong miệng kết hợp với mùi dẻo thơm của bột nếp nương và đậu xanh nhắc mọi người nhớ về quê hương hơn lúc nào hết.
Bài và ảnh Nguyễn Mai Phương
Mời bạn đọc chia sẻ các món ăn ngon, lạ ở các vùng miền về doisong@vnexpress.net. Bài viết có nhuận bút.