thịt vịt thường được chế biến thành những món ăn đơn giản như cháo vịt, gỏi vịt... đến cầu kỳ như vịt nướng chao, vịt quay... Có một món ăn rất độc đáo và lạ miệng là lưỡi vịt sapo (khìa).
Nghe đến lưỡi vịt, nhiều người sẽ ngạc nhiên vì không nghĩ lưỡi lại có thể chế biến thành món ăn ngon như vậy. Người đã một lần thưởng thức qua món này sẽ khó quên được cái giòn sần sật của lưỡi vịt cùng hương vị đậm đà do nước sốt mang lại.
lưỡi vịt sapo là món ăn đường phố độc đáo ở Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa. |
Lưỡi vịt sapo chế biến không cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người nấu. Phần lưỡi của vịt có một lớp màng bao quanh, lại nhiều chất nhầy nên nếu làm không sạch sẽ có mùi hôi rất khó ăn. Lưỡi vịt rửa sạch bằng nước muối, trụng sơ qua nước sôi, cạo bỏ lớp màng bao quanh, rửa lại qua nước gừng để loại bỏ mùi hôi sau đó rửa lại trong nước sạch và để ráo.
Để chảo lên bếp, cho ít dầu vào làm nóng, phi thơm hành, tỏi đã bằm nhỏ, đổ đường đã thắng nước màu vào xào sền sệt, nêm lại gia vị vừa ăn, cho lưỡi vịt vào, đảo đều tay để lưỡi vịt thấm đẫm nước sốt. Khi đã chín, cho một ít rau quế vào, trộn đều và tắt bếp.
Từng chiếc lưỡi vịt thấm đẫm nước sốt rất hấp dẫn và thơm ngon. Ảnh: Khánh Hòa. |
Lưỡi vịt sapo không ăn vào đĩa hay bát như những món khác, đầu bếp đựng lưỡi vịt trong một chiếc thố bằng sành của người miền Nam, để giữ món ăn được nóng lâu. Cầm một cái lưỡi vịt đưa lên miệng, hương thơm đậm đà của món ăn lan tỏa như kích thích vị giác của bạn.
Trong những buổi tối Sài Gòn trở gió, ngồi bên món ăn thơm nức, nóng hổi. Nhâm nhi từng chiếc lưỡi vịt, cảm nhận phần thịt của lưỡi mềm mềm, béo ngậy, khi nhai lại giòn sần sật, đầu lưỡi giòn giòn do phần sụn non bên trong. Khi ăn món này, thực khách thường gọi thêm ổ bánh mì để ăn kèm với nước sốt.
Khánh Hòa
* Mời bạn chia sẻ bài viết ẩm thực về doisong@vnexpress.net.