Buổi sáng ở cà phê Phố Cổ. |
Lúc đầu bạn sẽ không tìm ra nơi đó đâu. Nằm ép mình giữa hai cửa hàng vải lụa trên một đoạn đường đông đúc của phố Hàng Gai, cuối một lối đi chật hẹp dẫn tới khu vườn nhỏ ở sân sau nhà, quán cà phê Phố Cổ cho cảm giác về một khám phá mới, dù bạn tới đây lần đầu hay lần thứ 50.
Vài cư dân Hà Nội biết tới nó như một quán cà phê bí mật, một ốc đảo hầu như tách biệt hẳn với những đường phố đông nghẹt xe máy của khu phố cổ. Những chiếc bàn thấp đặt cạnh mấy chậu hoa sen. Những con bồ câu Nhật Bản với đôi chân lông lá và đuôi xòe hình rẻ quạt thản nhiên len lỏi giữa đám bàn ghế. Bộ sưu tập nghệ thuật của chủ quán treo trên những bức tường. Những tấm bạt đã bị nước mưa làm hoen bẩn. " Nước làm màu đậm thêm", người chủ quán nói. Nửa buổi sáng, quán cà phê vắng teo, trừ mấy nhóm cụ già đánh cờ bên ly cà phê của họ.
Quán Phố Cổ là một trong những điểm bán cà phê ngon nhất Hà Nội. Không như phần còn lại của châu Á - một lục địa uống trà nói chung, một vùng đất nhạt thếch với những gói Nescafé hòa tan dành cho du khách phương Tây thích loại cà phê Java, Việt Nam có một nền văn hóa cà phê khác hẳn Italy. Cùng với kiến trúc thời thuộc địa và bánh mì đũa được bán ở các góc phố, cà phê là một trong những tàn tích dễ chịu nhất mà những năm đô hộ của người Pháp để lại.
Một góc tường của cà phê Phố Cổ. |
Bỏ qua vấn đề giao thông, nhịp sống ở đây vẫn từ tốn và hầu như người Việt nào bạn gặp, bất kể già trẻ, giàu nghèo, đều có một quán cà phê mà họ ưa thích, nơi họ có thể bỏ ra hàng giờ để chuyện gẫu, hút thuốc lá và nhấm nháp một ly cà phê sữa đá thật đậm và ngọt (cà phê phin đặt trên một ly cao với đá đập nhỏ và sữa đặc có đường). Đó là cách pha cà phê thông dụng ở đây với giá 20 đến 40 cent cho một ly (3.000-6.000 đồng - TS).
Đó là một loại văn hóa cà phê kiềm chế: Không có những chiếc dù phô trương, không có những chiếc bàn đặt nhô ra lề đường. Ngắm người qua lại không phải là mục tiêu của nó. Quán cà phê tiêu biểu của Hà Nội là một khung cảnh nhỏ, thường chỉ là một mặt tiền cửa hàng với bức mành tách biệt khỏi đường phố. Khu phố cổ của Hà Nội - 36 phố phường, mà hồi thế kỷ 13, mỗi phố đều được đặt tên theo phường hội buôn bán những loại hàng của họ - đều là những cơ sở kinh doanh nhỏ của các gia đình.
Bên trong những quán cà phê này, như cà phê Quỳnh ở phố Bát Đàn, thường tối tăm - trái với ánh nắng nhiệt đới ở bên ngoài. Mỗi tách cà phê là một thứ xa xỉ nhỏ có thể chấp nhận tại một xứ sở mà lợi tức gia đình hằng năm xấp xỉ 300 USD. Những cư dân của Hà Nội tới các quán cà phê để trốn cái nóng ban ngày, để thư giãn, và để nhấm nháp một tách cà phê đắng pha ngọt lịm của thành phố.
Cũng như nhiều thứ khác ở Việt Nam, tách cà phê có một lịch sử cay đắng lẫn ngọt bùi. Chính những chủ thuộc địa người Pháp ở Đông Dương đã thành lập các đồn điền cà phê đầu tiên ở Việt Nam, vào cuối thế kỷ 19, bóc lột sức lao động rẻ mạt của nông dân địa phương. 90 năm về trước, những quán cà phê nằm rải rác trên đường phố Hà Nội chủ yếu dành cho những người ngoại quốc giàu có...
Ở mọi góc phố, người ta đều dễ dàng nhận thấy những tầng kiến trúc của 990 năm lịch sử Hà Nội. Những cái cổng chùa cổ bị át bởi những "nhà hầm" mới chật hẹp. Những biệt thự đang sụp đổ của khu Pháp (cũ) đã được biến thành những tòa đại sứ hoặc khu chung cư cho nhiều gia đình. Những con đường với hai hàng cây quanh hồ Hoàn Kiếm được trang trí bằng các bảng tuyên truyền kêu gọi đủ điều khác nhau, như tham gia vào việc học của con cái, phòng chống HIV/AIDS.
Mặc dù bạn khó tìm được một tiệm Starbucks ở Việt Nam, nhưng không thiếu gì những thứ khác ở các quán cà phê của Hà Nội. Ngoài 4 món cà phê thông dụng - đen nóng, đen đá, sữa nóng và cà phê sữa đá, được cung cấp tại bất cứ quán cà phê nào - còn có cà phê trứng. Đây là một loại cà phê nóng, đập quả trứng sống vào đó, có hoặc không có sữa, vị hơi giống bánh trứng, nhưng có thêm mùi. Cộng với đường, thực tế đó là một bữa ăn. Tôi ưa thích món này ở Cà phê 129, đầu phía nam đường Mai Hắc Đế, một trong những đường phố nhiều quán ăn nhất của Hà Nội.
Cà phê chồn nổi tiếng, đúng như tên gọi của nó. Những nhà trồng tỉa lựa ra những hạt cà phê tốt nhất của mỗi vụ mùa, và lấy cho chồn ăn. Hạt cà phê được thu thập sau khi con chồn tiêu hóa, rồi được xay và pha như thường lệ. Có vẻ như hệ thống tiêu hóa của con chồn làm điều gì đó bí mật cho những hạt cà phê, khiến chúng trở nên dịu hơn và đậm đà hơn bất cứ loại cà phê nào khác.
Tôi đã phải mất vài tháng mới đủ can đảm uống thử cà phê chồn tại cà phê Trung Nguyên, gần trụ sở của Ủy ban Nhân dân Hà Nội, ngay phía đông hồ Hoàn Kiếm, dưới áp lực của một người bạn mới tới thăm. Món đồ uống quả thật dịu, nhưng nó có một vị xạ hương thoang thoảng mà tôi chỉ có thể cho rằng đó là mùi chồn. (Câu chuyện con chồn tiêu hóa hột cà phê rồi thải ra "cà phê chồn" vốn là một truyền thuyết được ưa thích. Thực tế, loại "cà phê chồn" hiện nay có bán ở Hà Nội được sản xuất bình thường như các loại khác, chỉ khác ở cách chế biến mà thôi - TS).
Kể từ năm 1996, hàng dãy quán cà phê Trung Nguyên, một dây chuyền toàn quốc đầu tiên ở Việt Nam, đã bung ra khắp thủ đô. Chúng được trang trí với hình của những ngôi sao điện ảnh, và ngày cũng như đêm, chật cứng những học sinh chạy theo thời trang. Người Hà Nội phàn nàn rằng các cửa tiệm trước kia chỉ phục vụ một món cà phê nay phải đa dạng hóa thực đơn của họ, cung cấp những món khác - như sô đa chanh hoặc nước dừa chẳng hạn - để cạnh tranh.
Nhưng những quán cà phê nhỏ hơn, có tính truyền thống hơn vẫn san sát, và chúng là những địa điểm hấp dẫn để một du khách tới đây lần đầu có thể nếm trải một chút gì đó trong cuộc sống thường ngày của người Việt. Và khi bạn lang thang ở khu phố cổ Hà Nội giữa hơi nóng hầm hập của buổi trưa, khi khói xe máy và giao thông trở nên quá đáng, bạn hãy bước vào một quán như vậy.
Hãy để mắt bạn làm quen với ánh sáng, và tìm một cái bàn có thể nhìn ra đường. Có thể bạn sẽ thấy những bức ảnh gia đình trên các vách tường, cũng có thể có một tấm lịch chúc mừng năm mới đã trầy sát. Và trên quầy phía sau thường là những vật dụng pha cà phê, những lon Coca-Cola, Sprite xếp gọn ghẽ thành hình kim tự tháp, những chai bia Tiger, lọ Ovaltine, bình thủy tinh lớn đựng sirô mơ, thuốc lá Vinataba, kẹo trái cây Juicy Fruit và kẹo cao su Doublemint trong những hộp nhỏ quay tròn.
Một em nhỏ sẽ đem ra một thực đơn. Rồi bạn có thể gọi: "Cho tôi xin một cà phê sữa đá".
Nguyễn Nhật dịch