Xã Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một cù lao do phù sa bồi đắp, nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc sinh sản trên nhiều lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn, Ba Rái… Đặc biệt ốc gạo ở Cồn Tre là ngon nhất nhờ sống ở vùng cát sa nên ốc to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy. Người dân ở đây có câu: “Ốc Cồn Tre hai người đè, một người lê” để nói lên vị ngon của thứ đặc sản này.
Ốc gạo đẻ vào khoảng tháng 7 âm lịch năm trước. Khoảng tháng 4, tháng 5 âm lịch năm sau là đến mùa thu hoạch. Mùa này ốc đã lớn bằng hột mít. Vào mùa ốc rộ, lưu vực Tân Phong, xuồng ghe tấp nập. Hàng trăm chiếc giăng mắc đan xen nhau như cái chợ nổi náo nhiệt cả vùng. Đến lúc con nước vừa ròng, tiếng tù và nổi lên trầm vang trên mặt sông nước mênh mông là hiệu lệnh mọi người xúm nhau đẩy xuồng ghe ra khơi cào ốc.
Ốc gạo bắt chuẩn bị để ăn cũng kỹ lưỡng không kém. Ốc cho vào rổ, đặt vào thau nước cách đáy thau vài phân, lâu lâu xốc rổ một đợt cho ốc nhả sạch cát. Sau đó cho ốc gạo vào nồi với ít nước để đừng khét nồi, rồi cứ cho lửa lớn mà luộc, ốc chín tới đổ ra rổ.
Ốc luộc chấm nước mắm chanh ớt thêm chút gừng cho ấm và khử mùi tanh. Ốc mới luộc còn nóng, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt giòn ăn hoài không chán. Trong ruột ốc thường có nhiều con nhỏ như hạt gạo, nhất là mùa sinh sản ốc càng béo, ngọt, khi nhai giòn rụm.
Có thêm chút rượu đế mắt mèo, hơi nồng ấm của rượu hòa cùng mùi vị của ốc càng thấm thía hương vị sông nước.
Ốc gạo lể ra xào với hành tỏi, cuốn mấy cuốn gỏi ăn cũng ngon. Cùng có thể nấu cháo thật nhừ, cho ốc đã lể vào, thêm thật nhiều hành, tiêu cùng mấy miếng gừng sợi cho ấm tì vị. Húp miếng cháo nóng thơm lừng, cháo chạy tới đâu biết tới đó thật đã miệng.
Ốc gạo còn được chế biến thành ốc cháy mỡ tỏi, um nước dừa, rang bơ… Loài ốc gạo ngon và lành hơn những ốc khác ở chỗ không có nhớt, ăn đến no mà không thấy nặng bụng. Đó là tặng phẩm tuyệt vời của trời đất đã ban cho vùng đất Tân Phong.