Thoạt nhìn hình dáng bên ngoài, ốc lác không khác gì ốc bươu, nhưng nhỏ hơn, vỏ có màu hơi đen và có những đường vân dọc thân vỏ. Ốc sống nhiều ở đồng ruộng, ao hồ hay các con lạch nhỏ ở miền Tây. Thịt ốc lác ăn giòn giòn, có vị ngọt, ít nhớt nên được người dân ở đây ưa thích hơn thịt ốc bươu.
Ốc lác là món ăn bình dị nơi đồng ruộng của người dân miền Tây Nam bộ. Ảnh: K.H. |
Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, chỉ nên chọn những con ốc lớn hơn ngón tay cái một tí là được. Nếu ốc lớn quá, thịt ốc cứng, nhiều nhớt nên ăn không ngon, ngược lại ốc nhỏ quá, thịt ốc không có vị ngọt. Ốc bắt về, được ngâm trong nước có pha ớt, nước vo gạo... để ốc nhả hết nhớt cũng như bùn đất, sau đó rửa lại bằng nước sạch nhiều lần.
Vị cay nồng của tiêu xanh làm tăng thêm hương vị cho món ăn này. Ảnh: K.H. |
Ốc thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon, đơn giản nhất là luộc chấm nước mắm gừng, hoặc lấy thịt ốc kho với mắm cá sặc và thịt ba rọi, xào sả ớt để ăn với cơm... món nào cũng đem đến cho bạn những hương vị thơm ngon khó tả. Bên cạnh đó, ốc lác kết hợp với tiêu xanh và nướng chín trên bếp than hồng sẽ đem lại cho bạn món ngon rất lạ miệng.
Ăn kèm ốc lác nướng tiêu xanh là chén muối ớt xanh cay xé lưỡi. Ảnh: K.H. |
Ốc lác rửa sạch rồi để ráo nước. Ướp với gia vị, bột nêm và tiêu xanh khoảng 15 phút. Sau đó cho ốc lên vỉ và nướng chín trên bếp than hồng. Chỉ nên nướng ốc vừa chín đến, không nên nướng ốc chín quá vì thịt ốc sẽ cứng, mất vị ngọt. Ăn ốc khi còn nóng mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của nó. Vị giòn dai của ốc cùng vị cay cay của tiêu xanh tê tê nơi đầu lưỡi làm ai cũng chẳng muốn dừng tay khi thưởng thức.
Khánh Hòa