Hành trình tìm phở Mỹ có thể bắt đầu từ lời giới thiệu của bạn bè, nhân viên khách sạn hoặc từ... Internet. Vào Google tìm phở tại từng thành phố ở Mỹ, bạn có thể thấy dãy kết quả dài dằng dặc. Cứ việc gõ chữ Pho vào cũng được, rất nhiều nhà hàng để chữ Pho trên bảng hiệu của mình và đăng ký với các website tìm kiếm địa phương. Tại Mỹ, Yahoo cho bạn kết quả với tên nhà hàng, số điện thoại, địa chỉ kèm cả bản đồ lẫn chỉ dẫn đường đi từ nơi bạn đang ở đến đó, kèm theo thời gian đi dự kiến bằng xe hơi.
Ở khu mua sắm ăn uống George Town có thể nói là cao cấp của thủ đô Washington, có 2 nhà hàng Việt nằm ngay cạnh nhau, và cả hai đều có bán phở. May mắn cho những ai có bao tử nhỏ, Saigon Inn có bán phở tô nhỏ, tức là bằng tô... bình thường ở trong nước. Nước lèo mùi vị cũng đậm đà lắm, nhưng chỉ tội một điều là thịt gà đông lạnh nên không có vị gì cả, ăn như nhai gỗ.
Ở Oklahoma City, nơi khá đông người Việt sinh sống, nhà hàng phở đầy rẫy trong quận châu Á gần khu vực Đại lộ Classen: Phở Hòa, Phở Bình, Phở Thái Nguyên (hay Thái Nguyễn không chừng), thậm chí nhà hàng tên rất Nhật là Mirama cũng bán phở luôn. Tiệm Phở Hòa Oklahoma City treo một bảng hiệu có chữ "Phở Hòa" rất to bằng sơn mài ngay quầy tính tiền. Thực đơn thì đủ cả: tái nạm, tái gầu, tái gân, tái chín, bò viên và tất nhiên là có tô "đặc biệt" gồm đủ các thứ.
"Cho hai tô đặc biệt size xe lửa đi!", anh Việt kiều kêu. Tô "xe lửa" ở đây to bằng cái chậu nhỏ, đầy tú hụ và thơm ngào ngạt. Nếm thử thì thấy quả là không hổ danh phở Hòa, ngon ngọt nước xương, thịt bò mềm. Tô phở size Mỹ thì gia vị cũng size Mỹ: giá trụng to và dài, mùi to tướng, rau thơm cũng vậy, tất cả đều được trồng tại Mỹ. Ớt sa tế ở đây cũng y như ở trong nước, có điều không được cay cho lắm. Bình tương ớt cũng to, với đủ chữ Anh chữ Tàu chữ Việt trên đó, nhưng hương vị thì đúng là tương ớt thứ thiệt. Để tráng miệng (nếu ai đó còn sức ăn tiếp sau khi "làm" xong tô "xe lửa"), các nhà hàng đều có các món rất phổ thông như sâm bổ lượng, chè đậu...
Kansas City (bang Missouri) cũng là nơi dừng chân của phở. Các nhà hàng Việt ở khu trung tâm cũng như ở Westport đều có bán. Nước lèo cũng thơm ngon, nhưng bánh phở thì thua xa bánh phở Oklahoma City. Nhà hàng Vietnamese Bistro ở Westport trang trí rất đẹp với các tranh phong cảnh Việt Nam thứ thiệt, là nơi thu hút khá đông thực khách Mỹ. Ngày tôi đến ăn, có cả một bữa tiệc toàn người Mỹ tổ chức tại đây, và người ta hồ hởi ăn cả phở lẫn các thứ bún bò Huế, bún thịt nướng, gỏi cuốn... có trong thực đơn.
Các quán phở Mỹ không có kiểu người làm đứng sau quầy băm băm chặt chặt (và lau tay, lau thớt, lau dao bằng cùng một cái khăn không rõ màu gì) ngay trước mặt thực khách như ở ta. Mọi thứ đều diễn ra sau bếp, nơi dụng cụ làm việc đều phải quy chuẩn hóa. Trong toilet ở nhiều quán còn có dòng chữ "Nhân viên sau khi đi toilet phải rửa tay sạch trước khi làm tiếp" bằng tiếng Anh, có lẽ phần nào để trấn an nỗi e ngại vệ sinh của người Mỹ, vốn đi đâu cũng kè kè một lọ thuốc xoa tay "để giết vi trùng khi không có điều kiện rửa tay".
Phở Hoà. |
Phở ở Mỹ nên cũng phải có tên Mỹ: quán Phở USA ở San Jose, chỉ cách tổng hành dinh của hãng vi tính Sun Microsystems vài bước chân, mở cửa từ năm 2001 cũng đắt khách và từng được báo chí địa phương tìm hiểu.
Phở Mỹ thì giá Mỹ, một tô thường vào khoảng 5-8 USD, trừ những nơi đặc biệt sang trọng thì cao hơn nữa. Với số tiền đó, bạn có thể ăn được ít nhất cũng 2 tô phở (đắt tiền) hoặc... 10 tô phở rẻ tiền ở ta. Nhưng nếu so sánh với các món ăn khác, thí dụ như beafsteak Oklahoma hay thịt bò BBQ Kansas thì phở cũng còn rẻ chán, và đặc biệt ngon đối với những bao tử Việt Nam xa nhà lâu ngày. Ngay trung tâm New York đắt đỏ, quán Phở 89 (89 Đông Broadway) cũng đưa ra giá khá mềm, chỉ 5 USD một tô "xe lửa". Đặc biệt ở đây còn có phở tôm, phở “đồ biển" và cả phở chay.
Người Mỹ cũng "hảo" phở lắm, dù họ chẳng thể phát âm dấu hỏi của từ này. Sức cạnh tranh của món ăn Thái, Ấn, và nhất là Trung Hoa rất lớn. Tỷ lệ nhà hàng Trung Hoa so với nhà hàng Việt Nam ở Mỹ ít nhất là 6:1, trừ quận Cam ở California vốn là nơi ra chợ không cần nói tiếng Anh, chỉ nói tiếng Việt cũng đủ. Tuy nhiên, các nhà hàng Việt Nam ở Mỹ đủ mạnh để trương biển "Món ăn Việt Nam" đàng hoàng chứ không đến nỗi phải "đánh du kích" như đa số các nhà hàng Việt ở châu Âu, vốn chỉ đề "Món ăn châu Á" hay thậm chí còn đề "Món ăn Hoa - Thái" bên ngoài nhưng bên trong bán đồ ăn Việt.
Ít nhất cho đến giờ này, phở đã đi một chặng đường dài, từ một dọc bờ Đông New York, Washington D.C., qua miền Trung Tây (Oklahoma, Missouri) vòng xuống Houston (Texas), vòng lên California ở bờ Tây nước Mỹ. Nếu một ngày kia, các chuyến bay quốc tế của Vietnam Airlines có phục vụ phở trên máy bay, chắc chắn phở sẽ còn "bay" xa nữa.
(Theo Thanh Niên)